MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quan niệm về sàn giao dịch xăng dầu đang đề cập đến 3 hình thái. Ảnh: Nguyễn Loan

Một số vấn đề về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu

PGS, TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế LDO | 06/09/2024 10:00

Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu thông tin, báo chí phản ánh, kiến nghị về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua…”. PGS.TS Ngô Trí Long đã có bài phân tích về vấn đề này gửi Lao Động.

3 hình thái về sàn giao dịch xăng dầu

Qua các cuộc thảo luận trên báo chí, trên các diễn đàn và hội nghị chính thức, quan niệm về sàn giao dịch xăng dầu đang đề cập đến 3 hình thái sau:

Một là, Sở giao dịch hàng hóa theo thông lệ quốc tế (giao dịch nhiều mặt hàng khác nhau, trong đó có xăng, dầu), tại đó có thể thực hiện giao dịch mua bán với thị trường quốc tế chứ không phải chỉ là phục vụ nhu cầu mua, bán xăng dầu thành phẩm của các thương nhân trong nước.

Hai là, mô hình Trung tâm mua bán xăng dầu vật chất, tại đó các doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ, phân phối xăng dầu cùng giao dịch mua, bán và giao, nhận xăng dầu.

Thứ ba, sàn giao dịch xăng dầu theo mô hình sàn thương mại điện tử, tại đó các doanh nghiệp đầu mối công khai, minh bạch về giá để các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ có thể mua.

Hai hình thái hoạt động hai và ba có khá nhiều bất cập về cơ sở pháp lý, về mô hình hoạt động, phương thức vận hành và không giải quyết được triệt để vấn đề mua bán lòng vòng, thao túng giá. Trong khi đó, hình thái thứ nhất Sở giao dịch hàng hóa do có liên thông giao dịch với thế giới nên sẽ giúp giải quyết nhu cầu giao thương hàng hóa từ thị trường Việt Nam ra các thị trường tiềm năng trên toàn thế giới và đã khắc phục được những bất cập của thị trường không được liên thông và hình thành một thị trường giao dịch hàng hóa hội tụ nhiều ưu điểm.

Từ kinh nghiệm quốc tế tới Việt Nam

Tại Đông Nam Á, việc giao dịch xăng dầu và các sản phẩm năng lượng chủ yếu diễn ra qua các sàn giao dịch lớn ở Singapore và Malaysia.

Đối với Việt Nam, kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đáp ứng cho nhu cầu sử dụng trong nước. Về thể chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, trên thị trường có doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường, nhà nước vẫn phải định giá bán lẻ xăng dầu - giá trần. Tần suất Nhà nước quy định giá bán lẻ xăng dầu hiện nay là 7 ngày/lần. Với cơ chế điều hành giá xăng dầu như vậy, thì việc giao dịch trên sàn sẽ rất khó khăn.

Nếu Việt Nam thành lập sàn giao dịch xăng, dầu thì có hoạt động độc lập được với các sàn của thế giới không? Vấn đề này là không thể. Bởi vì, dù Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, có nhà máy lọc dầu nhưng vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn dầu thô về để lọc và để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước.

Nghĩa là giá xăng dầu trong nước sẽ bị ảnh hưởng bởi giá thế giới và liên thông với giá thế giới. Còn nếu hình thành một mô hình sàn giao dịch như là nơi để các doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ, phân phối xăng dầu cùng giao dịch thì đó là mô hình trung tâm mua bán xăng dầu mang tính vật chất, sẽ khác với mô hình sàn giao dịch hàng hóa.

Việc lập sàn giao dịch xăng dầu tại Việt Nam có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đi kèm với những thách thức đáng kể. Để đảm bảo thành công thì việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu, điều trước tiên phải tạo lập được thị trường xăng dầu cạnh tranh đầy đủ, không còn những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường, khi đó giá cả trên thị trường do thị trường quyết định. Từ đó có lộ trình, bước đi thích hợp...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn