MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mua thuốc Tamiflu như "mò kim đáy bể", giá đội lên gấp nhiều lần

Cường Ngô LDO | 22/12/2019 18:30

Số bệnh nhân mắc cúm mùa tăng nhanh tạo cơn "sốt" thuốc cúm Tamiflu. Mấy ngày nay, rất nhiều cửa hàng thuốc đều thông báo hết thuốc, hoặc muốn mua phải đặt trước với giá rất cao. Trong khi đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp để đảm bảo đủ cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm,

Khảo sát của phóng viên Lao Động sáng 22.12, hầu hết các hiệu thuốc trên đường Cầu Giấy, Đê La Thành, Trung Kính (Hà Nội)  đều không có thuốc Tamiflu để bán. Khách hàng muốn mua phải đặt tiền trước, để chủ hiệu thuốc đặt hàng, kèm theo đó là lời cảnh báo “thuốc rất đắt”, “không có để mua” của nhân viên bán thuốc.

Một cửa hàng thuốc chỉ còn 4 viên Tamiflu. Ảnh: Cường Ngô

May mắn lắm, phóng viên mới tìm được một cửa hàng còn thuốc Tamiflu trên đường Trung Kính (số 60 Trung Kính), song, cửa hàng này cũng chỉ còn vỏn vẹn 4 viên.

“Đây là những viên thuốc Tamiflu cuối cùng của quầy thuốc”, nam nhân viên bán hàng nói. Người này cũng khẳng định: “Các hiệu thuốc trên đường Trung Kính không còn hiệu nào còn thuốc này. Giá Tamiflu bán ở đây có 1,7 triệu đồng một vỉ 10 viên, tương đương 170.000 đồng mỗi viên. Đây là giá "mềm" nhất rồi, có những nơi bán từ 200.000 đồng – 300.000 đồng mỗi viên”.

Sở dĩ thuốc Tamiflu đội giá như vậy, theo lý giải của một nhân viên bán thuốc trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội), loại thuốc này chỉ có tác dụng trong 48 giờ đầu, sau 48 giờ, thuốc uống không có tác dụng.

“Có những bệnh nhân cúm thông thường cũng mua Tamiflu về sử dụng, cho nên khi xảy ra dịch Cúm A, thuốc này trở nên khan hiếm, giá đắt. Đáng chú ý bên phân phối thuốc cũng đẩy giá lên, không phải quầy thuốc đẩy giá lên”, nhân viên bán thuốc này khẳng định.

Trước đó, Lao Động dẫn thông tin từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, theo đó hiện nay đang là thời điểm cao nhất của bệnh cúm mùa. Trong vòng hơn một tháng qua, các bác sỹ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận khám 3.066 lượt người bệnh có triệu chứng cúm tới khám và điều trị. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày có khoảng 100-130 bệnh nhi đến khám với các biểu hiện nghi ngờ cúm.

Tuy nhiên, nhiều người mắc cúm chưa hiểu về tác dụng và đối tượng nên sử dụng thuốc Tamiflu đã tự mua về sử dụng, khiến loại thuốc này trở nên khan hiếm và giá cả tăng cao. 

Cục Quản lý Dược cũng đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố, các đơn vị sản xuất nhập khẩu thuốc triển khai các biện pháp để đảm bảo đủ cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm, khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập khẩu thuốc Tamiflu 75mg.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh.

Các cơ sở nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc chứa Oseltamivir có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, cung ứng đủ thuốc

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn