MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mứt Tết truyền thống ế ẩm, làng nghề Xuân Đỉnh đìu hiu vắng khách

Minh Quang LDO | 28/01/2021 14:25

Làng Xuân Đỉnh nổi tiếng là làng nghề bánh mứt kẹo truyền thống, trước luôn tấp nập mỗi dịp Tết về. Thế nhưng, nghề sản xuất bánh mứt kẹo tết tại đây đang bị mai một.

Một thời hưng thịnh

Mỗi dịp Tết, trên bàn khách của người Việt xưa không thể thiếu hương vị của mứt tết. Mứt tết không chỉ đơn giản chỉ là một món ăn, hương vị ngọt ngào của nó mà còn là cầu nối cho những giây phút gia đình sum họp bên bàn trà, hàn huyên câu chuyện của năm cũ và hướng tới những dự định, mong ước trong năm mới.

Nghề làm bánh mứt kẹo truyền thống tại làng Xuân Đỉnh (Phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) đã gắn bó từ rất lâu với người dân nơi đây.

Mứt Tết đã trở thành một trong những món ăn không thể thiếu trong Tết cổ truyền dân tộc.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Dũng - chủ một cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo tại Xuân Đỉnh cho biết nghề làm bánh mứt, kẹo truyền thống tại làng đã có tuổi đời gần 60 năm. Thời đó, hầu hết nhà nào cũng ít nhiều gắn bó với công việc làm mứt tết và trở thành một nguồn thu chủ yếu. Thế nhưng, hiện nay, con số hộ dân còn trụ được với nghề chỉ tính trên đầu ngón tay.

“Gia đình tôi làm nghề sản xuất bánh kẹo, mứt tết từ năm 1972, thời đó ông nội tôi lập ra cơ sở đầu tiên trong làng làm mứt tết. Sau đó ông truyền nghề lại cho bố tôi, đến tôi hiện tại là đời thứ 3 gắn bó với nghề này.

Mứt Tết cổ truyền có những món như mứt bí, gừng, sen, lạc,... Mứt tết được bọc cẩn thận bởi lớp giấy bóng, để trong hộp đỏ sặc sỡ. Thời ngày xưa, mứt là món ăn hấp dẫn, đặc biệt với trẻ nhỏ, cứ thấy hộp mứt là thấy Tết.”

Sự ngọt ngào của đường quyện với những thứ nguyên liệu tươi ngon đã làm nên một món ăn mang đậm hương vị ngày Tết.

Ông Dũng cũng cho biết ở thời điểm hoàng kim, mỗi dịp Tết gia đình ông cung cấp cả trăm tấn bánh mứt kẹo cho thị trường: “Ngày đó gia đình tôi thuê gần 30 nhân công, làm việc từ sáng tới tối vẫn không kịp đáp ứng đủ cho thị trường. Các đoàn xe nườm nượp đến lấy mứt để phân phối các cho các tỉnh trong cả nước. Có năm mới đến 28 Tết đã hết hàng để bán”

Thị trường sụt giảm, nghề làm mứt ngày càng mai một

Tuy nhiên hiện nay, sức hấp dẫn của món ăn truyền thống này cũng giảm dần, chịu áp lực cạnh tranh với những sản phẩm bánh kẹo có thiết kế bắt mắt, hiện đại. Những người làm nghề như ông Dũng luôn tìm tòi để cho ra mắt những loại mứt trái cây đặc sắc khác như mứt dừa, mứt nho, mứt lê,... Thế nhưng tình hình kinh doanh vẫn rất ảm đạm.

Không chỉ gia đình ông Dũng gặp khó trong việc kinh doanh bánh kẹo, mứt tết truyền thống. Những cửa hàng khác cũng chung không khí đìu hiu, lượng khách mua thưa thớt dần.

Những cửa hàng kinh doanh mứt Tết, bánh kẹo truyền thống tại Xuân Đỉnh rơi vào cảnh ế ẩm, lượng khách mua sụt giảm so với các năm trước.

Lý do khiến mứt Tết ế ẩm là bởi vài năm trở lại đây quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến diện tích đất tại khu vực Xuân Đỉnh ngày càng giảm đi. Mặt bằng sản xuất hạn chế, chỗ phơi nguyên liệu rất khó khăn. “Ngày trước, nguyên liệu làm mứt được phơi trước khoảng sân rộng trong mỗi gia đình. Bây giờ diện tích chật hẹp, nơi bày bán hộp mứt để bán còn khó chứ chưa nói đến chỗ phơi”- ông Dũng chia sẻ.

Việc tuyển người làm mứt cũng không dễ dàng. Để làm được mứt Tết phải mất nhiều năm học nghề, nhiều người trong làng lại lựa chọn kinh doanh ngành nghề khác nên nhân công khan hiếm. Hơn nữa, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sức mua giảm. Gia đình ông Dũng lo không tiêu thụ được nên không dám sản xuất nhiều.

Nghề làm mứt không chỉ mang đến giá trị kinh tế mà còn hàm chứa những nét đẹp, tinh hoa văn hóa ẩm thực. Những người làm nghề như ông Dũng và các hộ dân còn sản xuất mứt thủ công vẫn mong lưu giữ hương vị ngọt ngào của mứt Tết cho các thế hệ mai sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn