MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông chủ gia công mỹ phẩm nhiệt tình chỉ cách qua mắt khách hàng. Ảnh: Nhóm PV

Mỹ phẩm online 3 không và những hệ lụy khôn lường

Nhóm PV LDO | 17/01/2024 08:23

Để trục lợi, nhiều cơ sở đã ngang nhiên sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm kém chất lượng, giả mạo những thương hiệu mỹ phẩm lớn, tuồn ra thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sắc đẹp của người sử dụng.

Kho mỹ phẩm lậu “không bảng tên, không biển hiệu, không đảm bảo”

Theo chân người bán mỹ phẩm online đến một kho hàng ở Yên Xá (Thanh Trì, Hà Nội), phóng viên ngỡ ngàng với cách kinh doanh buôn bán ở đây. Bên trong nhà kho ẩm thấp chứa đủ loại mỹ phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản...

Với bao bì thiết kế đẹp mắt, tem mác được dán tinh vi, những sản phẩm làm đẹp lậu kém chất lượng đang được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội như: Tiktok, Facebook, Instagram...

Hầu hết các mặt hàng này đều không có thông tin đơn vị nhập khẩu, chịu trách nhiệm kiểm định, công bố chất lượng, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Tiếp và tư vấn cho chúng tôi, người bán hàng tại đây không ngại khẳng định tất cả số mỹ phẩm "cao cấp" này thực chất là hàng nhái, có nguồn gốc Trung Quốc.

"Nhiều người đến đây lấy hàng về bán. Khách sỉ như anh chị rất nhiều từ Phú Thọ, Yên Bái đến TPHCM đều có. Anh chị mang về trộn hàng giả và hàng thật, không ai biết được" - chủ cửa hàng tên Hinh (tên đã thay đổi) tại kho nói.

Chủ kho hàng cho biết, hàng thật chữ ở mã vạch là màu nâu, còn chữ hàng giả là màu xanh. Hàng giả có hai loại, nhập trực tiếp từ Trung Quốc và tự gia công ở Việt Nam, nhưng bao bì hàng gia công xấu hơn.

Nhờ vào bao bì, chất liệu được ngụy trang tinh vi kèm với tem phủ, mã vạch chính hãng; chủ cửa hàng khẳng định chắc nịch, khi bán có thể tự tin cho người mua quét mã vạch mỹ phẩm thoải mái mà không phát hiện ra hàng giả.

Bên trong kho hàng cung cấp mỹ phẩm bán hàng online. Ảnh: Nhóm PV

Hé lộ nguồn gốc sản xuất những mỹ phẩm lậu online

Qua ghi nhận, mỹ phẩm gia công tại các kho xưởng ở Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp chính cho nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh.

Trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, tài khoản có tên Tik Tok A Quốc - Người gia công mỹ phẩm thường xuyên đăng tải các bài đăng quảng cáo về 1 kho hàng chuyên cung cấp mỹ phẩm gia công lớn nhất Hà Nội hiện nay.

Khi biết được mong muốn nhập sỉ hàng hoá, ông Quốc hẹn phóng viên đến trụ sở tại địa chỉ ngõ 21 Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tư vấn.

Tại đây, ông Quốc tự giới thiệu bản thân là trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH Sản xuất dược mỹ phẩm HMC - nơi cung cấp sản phẩm cho rất nhiều cơ sở mỹ phẩm tại miền Bắc.

"Bên tôi hiện tại có 2 nhà máy, một nhà máy sản xuất mỹ phẩm, một nhà máy thực phẩm chức năng và sản xuất cho nhiều cơ sở mỹ phẩm ở Hà Nội" - ông Quốc nói.

Với hai cơ sở gia công lớn đặt tại Quốc Oai (Hà Nội), theo ông Quốc, Công ty TNHH Sản xuất dược mỹ phẩm HMC thường xuyên nhận làm nhái các sản phẩm mỹ phẩm nổi tiếng với số lượng lớn. Để đánh lừa người tiêu dùng, ông Quốc thường xuyên đặt chai lọ từ Trung Quốc để chế biến sản phẩm gia công giống các thương hiệu có tiếng về bao bì, mẫu mã.

Theo chia sẻ của ông Quốc, để nhận được nhiều đơn hàng, công ty còn nhận gia công cho các sản phẩm chưa đăng ký công bố, chưa được cấp phép lưu hành cho khách.

Đây cũng là một trong những chiêu thức trốn thuế và lừa gạt niềm tin của người tiêu dùng.

Nhận kết đắng vì sử dụng mỹ phẩm giả

Bạn Anh Thư (Cầu Giấy, Hà Nội) chua xót khi trở thành nạn nhân của mỹ phẩm giả. Sau thời gian dài điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ da liễu kết hợp kiêng cữ khổ sở nhưng hai bên gò má, phần môi trên của Thư vẫn sưng tấy. Đặc biệt, vết sưng đỏ đang có dấu hiệu chuyển dần sang thâm sạm đen.

Theo bạn Thư chia sẻ, sau lần đầu sử dụng kem dưỡng trắng mua ở trên mạng, cô gái đã cảm thấy da có phản ứng ngứa ngáy, vùng da trở nên ửng đỏ, tấy.

Kết quả khám tại bệnh viện cho thấy, Thư bị viêm da dị ứng. Ngoài việc uống thuốc kháng sinh theo đơn, Thư còn phải bôi nhiều loại thuốc và thường xuyên đến bệnh viện để bác sĩ theo dõi tình hình.

Trước vấn đề này, BSCKII, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Phạm Thị Thảo khuyến cáo, hệ lụy khi sử dụng những sản phẩm kém chất lượng không rõ nguồn gốc mang lại như tình trạng viêm da dị ứng, sạm da khó phục hồi... và những hậu quả khôn lường khác như dị ứng do sử dụng thuốc uống thực phẩm chức năng gây nguy hiểm đến sức khỏe toàn thân của người sử dụng.

“Ai có nhu cầu làm đẹp thì nên chọn những cơ sở da liễu uy tín, được Bộ Y tế cấp phép. Khi khám bệnh tại các bệnh viện da liễu hoặc các cơ sở tư nhân được cấp phép, bạn sẽ được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu và các mỹ phẩm sử dụng đều được qua sàng lọc thử nghiệm rất nhiều bước nên sẽ được đảm bảo.

Một lưu ý nhỏ trước khi sử dụng mỹ phẩm là hãy thử sản phẩm trên những vùng da mềm mỏng, dễ có nguy cơ dị ứng nhất như mặt trong của cổ tay để nhận biết được chất lượng và dấu hiệu dị ứng với thành phần của sản phẩm...” - bác sĩ Thảo lưu ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn