MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Nâng cao chất lượng và an toàn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

Phan Anh LDO | 17/11/2023 17:16

Thủy sản là một trong những ngành được định hướng phát triển thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia. Để nâng cao chất lượng và an toàn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, lãnh đạo Cục Thủy sản cho rằng cần nỗ lực tập trung vào quản lý điều kiện chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ các quy định mới.

Quản lý chặt chẽ

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản nhận định thời gian tới Bộ NNPTNT cần tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhằm tăng cường việc phổ biến, tuyên truyền, và hướng dẫn về các quy định mới được thể hiện trong Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết khác.

Chia sẻ tại hội nghị tập huấn "Nâng cao kỹ năng quản lý, kiểm tra đánh giá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản" tổ chức ngày 17.11, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng cần thực hiện thống kê chi tiết, lập danh sách, xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động đánh giá, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với các cơ sở sản xuất giống thủy sản, thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường thủy sản.

Đồng thời đề xuất tập trung vào quản lý điều kiện chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ các quy định mới để nâng cao chất lượng và an toàn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Thủy sản là một trong những ngành được định hướng phát triển thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia. Ảnh: Ngọc Viên

Cục Thủy sản cho biết đơn vị này sẽ có nhiệm vụ quản lý điều kiện, chất lượng trong sản xuất đối với cơ sở sản xuất giống bố mẹ và các nhà đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Còn ở địa phương sẽ có nhiệm vụ quản lý điều kiện, chất lượng giống trong sản xuất đối với cơ sở trên địa bàn. Cục Thủy sản và địa phương phối hợp duy trì kiểm dịch con giống, kiểm tra cơ sở sản xuất, kiểm soát lưu thông, tiêu thụ thủy sản cũng như thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường.

Trong quá trình quản lý điều kiện sản xuất giống, phải có đội ngũ nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học...

Xuất khẩu thủy sản dần khởi sắc

Trước những biến động từ thế giới và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, nhiều thị trường lớn đã giảm nhập khẩu cá từ Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm đang bắt đầu tăng tốc trở lại, đặc biệt là những đơn hàng từ khách mua ở Trung Quốc.

Tôm và cá tra là 2 mặt hàng thủy sản chiến lược xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Nhật Hồ

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian tới Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản của nước ta. Những tháng cuối năm, tăng trưởng tại thị trường sẽ đạt tốc độ cao hơn nữa khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này bước vào cao điểm mùa giao thương mua bán khi nhu cầu về du lịch, khách sạn, nhà hàng đang hồi phục và tăng trưởng.

Đối với Nhật Bản, hiện tại xuất nhập khẩu nông thủy sản Việt Nam đang được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan ở mức độ sâu cũng như các quy tắc xuất xứ mới trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà hai nước cùng là thành viên như CPTPP hay RCEP.

Trong các hiệp định thương mại tự do này, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan hoàn toàn cho đại đa số các sản phẩm nông thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, từ đó đem đến cơ hội lớn cho ngành hàng nông thủy sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn