MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngăn chặn hành vi làm giả khẩu trang để trục lợi

Cường Ngô - Hoài Anh LDO | 04/02/2020 17:22

Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, có một số đối tượng sẵn sàng cho lớp vải bình thường để may khẩu trang y tế; đối với khẩu trang 4 lớp thì chỉ cho 3 lớp, hoặc không có tác dụng khử khuẩn, hoặc nhuộm vải đen làm khẩu trang hoạt tính.

Tập trung kiểm tra các hành vi trục lợi

Chiều 4.2, tại trụ sở Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội tổ chức cuộc họp liên ngành bàn về các giải pháp phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona  gây ra.

Tại cuộc họp, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona có diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường.

Ông Trần Hữu Linh báo cáo tại cuộc họp.

"Tổng cục Quản lý thị trường đã thành lập tổ thường trực phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Tổ có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch trên phạm vi cả nước, bao gồm: công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý và đặc biệt là trang thiết bị y tế dùng để bảo vệ sức khỏe phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá hàng hóa do dịch bệnh của virus Corona", ông Linh nói.

Ông Chu Xuân Kiên báo cáo tại cuộc họp.

Tuy nhiên, mặt hàng này không thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá, cũng không thuộc quản lý của lực lượng quản lý thị trường, cho nên, chúng tôi mong nhận được ý kiến của các ban ngành chức năng, để có chế tài, phương án xử lý đúng quy định của pháp luật”, ông Kiên cho hay.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội tại cuộc họp cho biết, từ đầu tháng 1.2020, thành phố Hà Nội đã thành lập 65 đội xung kích cơ động, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh; chỉ đạo phun thuốc khử trùng phòng bệnh cho tất cả các trường học trên địa bàn. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV).

Đơn vị này cho hay, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 6018 nhà thuốc, quầy thuốc, có trên 20 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế. Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Hà Nội đã triển khai thông tin cảnh báo đến các nhà thuốc, quầy thuốc, bởi 100% nhà thuốc được kết nối với Bộ, Sở Y tế.

"Những ngày qua, chúng tôi đã kiểm tra 256 nhà thuốc, quầy thuốc, 2 cơ sở sản xuất kinh doanh khẩu trang, xử phạt 1 cơ sở với số tiền 20 triệu đồng, đang xử lý 11 cơ sở.

Làm việc với Sở Y tế Hà Nội, hầu hết các cơ sở tăng sản xuất khẩu trang đều than rằng nguyên vật liệu làm khẩu trang rất khó khăn. Hà Nội cũng bổ sung kinh phí với số tiền 86 tỉ đồng để mua hóa chất khử trùng và bảo hộ lao động, đặc biệt là khẩu trang y tế”, đại diện Sở Y tế Hà Nội thông tin.

Khó xử lý hình sự hành vi găm hàng

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an thành phố Hà Nội khẳng định, về cơ bản 100% các chủ hiệu thuốc, quầy thuốc cam kết không găm hàng, không nâng giá bán mặt hàng khẩu trang y tế.

Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng, một số cá nhân có biểu hiện “chặt chém”, găm hàng, nhưng cơ quan chức năng chỉ xử lý về mặt hành chính, rất khó khăn để xử lý tội hình sự theo điều 196 Bộ luật hình sự về Tội đầu cơ, bởi khẩu trang y tế không phải làm mặt hàng bình ổn giá.

Đại diện Công an Hà Nội.

Ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, như chia sẻ của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khẩu trang y tế, hiện tại, nguồn nguyên liệu để làm khẩu trang đang thiếu.

Chính vì vậy, có một số đối tượng sẵn sàng cho lớp vải bình thường để may khẩu trang y tế; đối với khẩu trang 4 lớp thì chỉ cho 3 lớp, hoặc không có tác dụng khử khuẩn, hoặc nhuộm vải đen làm khẩu trang than hoạt tính. Điều này cần có sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan công an.

Tại cuộc họp, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, cơ quan chức năng, nhất là lực lượng hải quan phải kiểm soát chặt chẽ ở cửa khẩu, không để xảy ra tình trạng xuất khẩu trang qua đường biên giới.

Còn vấn đề nâng giá, đầu cơ khẩu trang y tế cần phải xử lý thật rắn, thật mạnh, không để nhóm người thừa cơ trục lợi, điều này là mất nhân cách, đạo đức.

“Chúng ta cũng phải đặt câu hỏi, đối với mặt hàng thiết bị y tế, nhất là khẩu trang y tế, hiện tại cung cầu đang không cân đối, thì có hàng giả không. Điều này các đồng chí cần phải suy nghĩ. Hàng đưa ra bán không đảm bảo chất lượng thì phòng dịch bằng không”, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn