MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù sắp đến lễ Vu Lan, nhưng khung cảnh vắng vẻ, ảm đạm vẫn bao trùm phố Hàng Mã những ngày này. Ảnh: Hoa Lệ

Người dân hạn chế đốt vàng mã, phố Hàng Mã ảm đạm cận rằm tháng Bảy

HOA LỆ LDO | 06/08/2022 12:55
Hà Nội - Nhiều người dân có xu hướng hạn chế mua đồ vàng mã hơn vì vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường. Do vậy, dù sắp đến rằm tháng Bảy, nhưng khung cảnh vắng vẻ, ảm đạm vẫn bao trùm phố Hàng Mã (Hà Nội) những ngày này.

Tọa lạc trong khu phố cổ tại Hà Nội, phố Hàng Mã được coi là trung tâm buôn bán vàng mã phục vụ cho mục đích tâm linh của người dân vào các dịp lễ, tết trong năm.

Theo ghi nhận của PV Lao Động, dù chỉ gần một tuần nữa là đến rằm tháng Bảy, nhưng các hoạt động kinh doanh tại phố Hàng Mã vẫn đìu hiu, vắng vẻ.

Không khí mua bán đìu hiu tại Hàng Mã, chỉ lác đác 1, 2 khách mua hàng. Ảnh: Hoa Lệ

Đến thời điểm hiện tại, các cửa hàng đã chuẩn bị nhiều mẫu mã và bày biện sản phẩm nhưng lượng khách ghé mua không nhiều.

“Dịch COVID-19 kéo hai năm vừa qua. Giá hàng hóa cũng tăng liên tục trong thời gian qua. Do vậy, dù sắp đến rằm tháng Bảy nhưng sức mua vẫn ít. Hy vọng sát ngày lễ, mọi người sẽ đến mua hàng nhiều hơn” - chị Hoa, chủ cửa hàng đồ thờ cúng ở phố Hàng Mã, chia sẻ.

Dù sức mua chưa nhiều nhưng chủ cửa hàng vẫn nhập đa dạng các mặt hàng. Ảnh: Hoa Lệ

Dù sức mua của người dân không lớn, nhiều chủ cửa hàng vẫn nhập đa dạng các loại mặt hàng từ những mặt hàng phổ biến nhất như quần áo, ngựa, mũ nón, tiền vàng... đến các mặt hàng bắt kịp xu hướng hiện nay như laptop, điện thoại, sản phẩm dưỡng da, đồng hồ vàng, kính râm, thuốc lá...

Các mặt hàng đa dạng về cả mẫu mã và giá cả, có sản phẩm từ vài nghìn đồng cho đến vài triệu đồng.

Sản phẩm hàng mã đa dạng được tiểu thương bày bán. Ảnh: Hoa Lệ

"Đa số người dân thường ưa chuộng các mặt hàng như quần áo, giày dép, mũ nón có giá dao động từ 40.000- 50.000 đồng" - anh Hùng (42 tuổi, chủ cửa hàng đồ thờ cúng) cho biết.

Cũng theo anh Hùng, nhiều người dân có xu hướng hạn chế mua đồ vàng mã hơn vì vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường dẫn đến tình trạng đìu hiu, vắng khách mua hàng ở con phố này.

Chị Lê Thị Thanh Nhàn cho hay, những năm gần đây, chị đã bỏ thói quen mua sắm và đốt vàng mã. "Không chỉ lãng phí tốn kém, đốt vàng mã còn ảnh hưởng xấu tới môi trường, bởi khói, bụi từ việc đốt vàng mã gây ra" - chị Nhàn nói.

Nhiều sản phẩm đa dạng như điện thoại, kính, thuốc lá, sản phẩm dưỡng da, máy sấy... được bày bán. Ảnh: Hoa Lệ

Còn với chị Nguyễn Thị Tuyết (Hoàn Kiếm, Hà Nội), lễ Vu Lan là ngày lễ báo hiếu, chủ yếu gia đình mình làm mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên và đốt ít tiền vàng.

"Rằm tháng Bảy là một ngày lễ lớn trong năm. Tuy nhiên, xu hướng đốt vàng mã ngày càng ít đi. Tấm lòng, sự thành tâm mới là điều quan trọng" - chị Tuyết nói.

Ngoài ra, xu hướng làm mâm cỗ chay cũng được nhiều gia đình ưa chuộng vì tốt cho sức khỏe, phù hợp với quan niệm Phật giáo và đặc biệt là lựa chọn phù hợp trong thời điểm giá hàng hóa, thực phẩm tăng cao như hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn