MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực

Người dân phải trả thêm bao nhiêu tiền khi điện tăng 8,36%?

Phạm Dung LDO | 20/03/2019 18:54
Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đến 400 kWh sẽ phải trả 77.200 đồng/tháng khi giá điện tăng 8,36%.

Chiều 20.3, Bộ Công thương công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 được điều chỉnh với mức giá mới là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh).

Trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh; cơ cấu phụ tải điện năm 2018, dự báo năm 2019; giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được xây dựng theo cơ cấu biểu giá quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. 

Thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, bộ Công Thương cho biết, hiện nay, chúng ta có 6 bậc thang đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt.

Với mức điều chỉnh tăng giá 8,36%, mỗi khách hàng sử dụng điện ở mức 50kWh sẽ phải trả thêm 7.000 đồng/tháng. Các khách hàng sử dụng từ 50 đến 100 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng, tăng 8,4%. Đối với khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng sẽ phải trả thêm 31.600 đồng. Khách hàng sử dụng tới 300 kWh sẽ phải trả 53.100 đồng. Khách hàng sử dụng đến 400 kWh sẽ phải trả 77.200 đồng/tháng.

Cũng theo ông Tuấn, theo tổng hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chúng ta có 25 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, trong đó, khách hàng sử dụng điện ở mức thấp rất cao. Khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 100 kWh/tháng chiếm 35,6%. Trong khi đó, khách hàng sử dụng ở mức trên 300 kWh chỉ có chưa đến 15%.

Ông Tuấn khẳng định, việc thiết kế bậc thang giá điện sinh hoạt sẽ hỗ trợ được hộ nghèo. Năm 2015-2016, bộ Công thương cũng đã nghiên cứu thu hẹp lại 3 bậc thang, hoặc có một số ý kiến là 1 bậc giá điện, lúc đó người được lợi là khách hàng sử dụng điện cao, các khách hàng sử dụng ít điện chiếm đa số lại phải trả điện cao hơn.

“Với sử dụng điện như vậy chúng ta quan tâm đến số đông. Chúng tôi đang nghiên cứu để cải thiện bậc thang giá điện, song chúng tôi khẳng định, việc duy trì giá điện bậc thang là cần thiết”, ông Tuấn cho biết.

Ngoài ra, theo quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ, đối với hộ nghèo, hộ chính sách mà sử dụng không quá 5 kWh hàng tháng sẽ được Chính phủ hỗ trợ 50.000 đồng/tháng. Với mức độ này, hàng năm ngân sách phải bỏ ra 1.274 tỉ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo và hộ chính sách.

Cục Điều tiết điện lực cũng đã tính đến giá của các hộ kinh doanh và sản xuất phải trả khi giá điện tăng 8,36%.

Đối với khách hàng kinh doanh chúng ta có hơn 443.000 khách hàng kinh doanh. Bình quân mỗi khách hàng phải trả tăng thêm 500.000 đồng/ tháng.

Chúng ta có 1,4 triệu khách hàng sản xuất và với mức tăng giá điện này thì mỗi hộ sản xuất sẽ phải trả thêm 12,39 triệu đồng (tăng 839.000 đồng/ tháng). Cụ thể, đối với các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sẽ có hộ sản xuất phải trả thêm 95 triệu đồng/tháng. Đối với ngành thép, trong 40 DN sản xuất được thống kê thì hộ thấp nhất tăng 7,3% tương đương với 30 triệu đồng/tháng, hộ cao tăng 8,28%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn