MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ chồng ông Ba, bà Minh (thôn Hồng Phong, xã Đông Thọ, TP.Thái Bình) chăm sóc quất, đợi khách đến mua. Ảnh: T.D

Người trồng quất ở Thái Bình thấp thỏm, lo âu khi Tết cận kề

TRUNG DU LDO | 05/01/2022 17:00
Thái Bình - "Chán lắm chú ạ, mọi năm giờ này, khách ở các nơi đã đến tận vườn đặt mua được 50 - 60% rồi, năm nay mới được khoảng 20% thôi. Cả năm trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm mà bây giờ hàng bán chậm, buồn lắm..." - bà Bùi Thị Minh (58 tuổi, trú thôn Hồng Phong, xã Đông Thọ, TP.Thái Bình), buồn bã nói. 

Bà Minh là vợ ông Đặng Văn Ba (62 tuổi) - chủ nhà vườn Xuân Ba nổi tiếng ở xã Đông Thọ, TP.Thái Bình với nghề trồng cây quất cảnh có thâm niên hơn 20 năm.

Nhẽ thường, quất nhà ông bà trồng, chăm sóc chưa từng phải đem ra chợ bán, khách gần khách xa đồn nhau, giới thiệu đến tận vườn, tự tay lựa cây theo ý thích, ông bà chỉ việc đánh rồi xếp lên xe để khách chở về hoặc thuê người chở. 

Bà Minh đang chăm, chỉnh lại những cây quất mini. Những cây nhỏ này phù hợp để bàn làm việc, đặt trên bàn trong phòng khách, có giá từ 100.000đ - 150.000đ. Ảnh: T.D

Ở vùng ven TP.Thái Bình, xã Đông Thọ và xã Đông Hòa (trước đây thuộc địa giới hành chính huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) vốn bao đời nay nổi tiếng trong tỉnh và một số tỉnh lân cận với cây quất cảnh. Được thiên nhiên ban tặng vùng đất có thổ nhưỡng và các điều kiện tự nhiên thích hợp, cộng với bàn tay cần cù, chịu khó và khéo léo, cây quất cảnh ở đây luôn tươi tốt, quả sai, đều quả và to... khiến người chơi khó tính cũng mê. 

Ông Ba tranh thủ nghỉ giải lao, kể về những khó nhọc của nghề trồng cây quất cảnh. Ảnh: T.D 

"Như mọi năm, đến khoảng cuối tháng 11 âm lịch là khách đặt được khoảng 60% diện tích rồi, tầm rằm tháng Chạp là hầu như cây đã có chủ hết. Trong khoảng nửa tháng cuối cùng của năm, nhà tôi chỉ tập trung đánh, đào quất để trả khách và bán nốt số cây cuối cùng. Năm nay chậm lắm, lác đác mới được đâu đó mấy chục gốc có người đặt", ông Ba vừa hút điếu thuốc lào vừa kể. 

 Cây quất cảnh ở làng nghề xã Đông Thọ, TP.Thái Bình luôn được khách sành chơi ưa chuộng. Ảnh: T.D

Vợ chồng ông Ba tuy đã nhiều tuổi nhưng vẫn cần cù, chịu khó làm lụng 5 sào đất trồng quất, trong đó 2 sào chuyên để ươm gột cây con giống, 3 sào để chăm quất thương phẩm. Năm nay, hai ông bà có khoảng trên 400 gốc quất chuẩn bị chờ bán, 3/4 số này được chủ nhân gò, trồng, tạo thế từ khi cây còn nhỏ trong vò, chậu ximăng. 

 Ông Ba rất tâm huyết, bỏ nhiều công sức đầu tư cho giàn quất thế trồng, gò trong chậu, vò ximăng...
...chậu thì ông Ba tranh thủ thời gian sau khi làm vườn về nhà tự đắp, còn vò thì ông không tự làm được, phải đi mua. Ảnh: T.D

"Trước đây thì quất chỉ trồng dưới đất, năm ngoái tôi trồng, gò thí điểm mấy chục cây trong vò, tạo thế, khách rất thích. Do vậy năm nay tôi mua thêm vò, đắp thêm chậu để trồng với số lượng lớn hơn. Chính ra trồng quất bây giờ vất vả hơn ngày xưa, phải nắm bắt xu hướng chơi của khách để thay đổi, thích ứng" - ông Ba vừa giới thiệu loạt vò, chậu quất của mình vừa nói. 

Theo ông Ba, nguyên nhân khiến năm nay hàng bán chậm là bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người dân dè dặt, tiết kiệm hơn. Mặt khác, người chơi quất vẫn đang nghe ngóng xem thị trường năm nay ra sao để quyết định mua sớm hay muộn. Ảnh: T.D
 Ngay bên cạnh vườn quất đang đợi bán, bà Minh tiếp tục chuẩn bị, chăm sóc cho lứa quất năm sau. "1 cây quất từ lúc chiết ra từ cành cây quất già cho đến lúc được bán mất khoảng 4 năm, trong đó mất 2 năm ươm, vun và 2 năm còn lại để gột, thúc. Cứ liên tục gối nhau như vậy", bà Minh nói.

Cạnh vườn của vợ chồng ông Ba, bà Minh là vườn của ông Đặng Văn Quý (64 tuổi, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Hồng Phong, xã Đông Thọ). Ông Quý đồng thời là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ quất cảnh của xã. 

 Ông Đặng Văn Quý - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ quất cảnh xã Đông Thọ, vừa chăm cây vừa trao đổi với PV. Ảnh: T.D

"Hiện nay trên toàn xã có khoảng 50 hộ trồng cây quất cảnh với tổng diện tích 7ha. Nhà nào thấp nhất trồng khoảng 3 sào, nhà nhiều thì cả mẫu. Đa số là lao động lớn tuổi, cả đời gắn với nghề ruộng, vườn, anh nào trẻ nhất cũng đã ngoài 40 tuổi rồi. Chúng tôi biết nghề vất vả, thu nhập không được bao nhiêu và phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng vẫn cố gắng duy trì, giữ nghề truyền thống" - ông Quý cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn