MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà đầu tư thót tim vì giá vàng "nhảy múa": Đối diện rủi ro kép

Khương Duy LDO | 09/03/2022 14:36
Giá vàng liên tục "nhảy múa" những phiên gần đây khiến nhà đầu tư rất khó đoán định. Người mua vàng trong nước lúc này phải đối mặt với rủi ro kép.

Giá vàng trong nước nhảy múa khó đoán

Trong khi vàng thế giới thể hiện rõ xu hướng tăng - giảm giá, thị trường kim loại quý trong nước đang trải qua những phiên giao dịch "điên loạn".

Sau khi lao dốc mạnh vào phiên trưa và chiều qua 8.3, sáng nay thị trường khởi sắc khiến nhà đầu tư mừng rỡ. Thế nhưng đến trưa 9.3, vàng trong nước lại "lao dốc không phanh". Đáng chú ý, mức chênh lệch mua vào - bán ra thậm chí đã bị đẩy vượt quá ngưỡng 2 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, tính đến 14h ngày 9.3, giá vàng trong nước được Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào ở ngưỡng 69 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 71,3 triệu đồng/lượng. So với mở cửa phiên giao dịch cùng ngày giá vàng tại DOJI giảm 1,01 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 800.000 đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 2,3 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, vàng miếng SJC được Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở ngưỡng 69,21 - 70,08 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch mua vào - bán ra là 870.000 đồng/lượng.

So với mở cửa phiên giao dịch ngày 9.3, giá vàng SJC được Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giảm 800.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,9 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Nhà đầu tư đối diện rủi ro kép

Giá vàng thế giới tính đến 13h30 ngày 9.3 (giờ Việt Nam) niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.052,8 USD/oz, tăng 6,7 USD/oz so với mở cửa phiên 9.3.

Tính theo tỉ giá USD niêm yết tại Vietcombank vào ngày 9.3 (1 USD = 22.990 VND) giá vàng thế giới tương đương khoảng 55,90 triệu đồng/lượng, thấp hơn 14,4 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra ở cùng thời điểm.

Người mua vàng trong nước lúc này phải đối mặt với rủi ro kép. Một là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, hai là chênh lệch giữa giá mua và bán. Ảnh: Phan Anh

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang rất lớn. Đáng chú ý giá vàng trong nước lao dốc bất chấp thị trường thế giới đi lên. Thêm vào đó mức chênh mua - bán tại thị trường trong nước ở mức kỷ lục đang khiến nhà đầu tư trong nước hoang mang vì những rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư vào kim loại quý.

Đáng nói, dù còn nhiều rủi ro nhưng vẫn có không ít nhà đầu tư trong nước quyết định rót tiền vào kim loại quý thời điểm đỉnh giá vì cho rằng mặt hàng này có thể sẽ trở nên khan hiếm. Chia sẻ với PV Lao Động, anh N.V.D (một nhà đầu tư) cho biết, lý do anh quyết định mua vàng là vì theo dõi các tin tức thế giới và phán đoán vào thị trường trong nước.

"Tôi cho rằng căng thẳng giữa Nga và một số nước Châu Âu sẽ khó kết thúc trong ngày một ngày hai. Giá dầu, lạm phát sẽ kéo theo giá vàng tăng. Trong nước mình, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nên tôi suy đoán thị trường sẽ khan hiếm. Vẫn có rủi ro nhưng tôi cho rằng vàng sẽ còn tăng", người này nói.

Vàng không phải hàng hoá bình thường, cần quản lý cẩn thận

Trước tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch quá cao, thậm chí đi ngược với thị trường thế giới, nhiều người cho rằng đây là hệ lụy do quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền.

Về vấn đề này, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) từng đề xuất nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng.

VGTA cho rằng Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp nên việc giao cho cơ quan ngân hàng trung ương sản xuất vàng miếng tại nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng là không còn phù hợp.

Hiệp hội này kiến nghị cho phép thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế. Đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng khi giá vàng quốc tế tăng mạnh trở lại.

Trước đề xuất này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải hàng hoá bình thường như các loại hàng hoá khác, nên cần được quản lý cẩn thận.

Trước đây cũng từng có sàn giao dịch vàng hay Sở Giao dịch vàng được thành lập. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và rủi ro vì vàng được kinh doanh tự do trên sàn, liên quan rất nhiều đến ngoại tệ, vàng hóa trong nền kinh tế do đó Nghị định 24 của Chính phủ được ra đời.

“Chúng tôi vẫn ghi nhận và nghiên cứu thấu đáo đề xuất của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam. Nhưng trước hết phải đặt lợi ích vĩ mô, lợi ích chung cho mọi người dân lên đầu, sau đó mới tính đến lợi ích của các doanh nghiệp vàng” - ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn