MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều người Việt có tâm lý "sính ngoại" trong tiêu dùng

L.C LDO | 15/11/2019 18:34

Đây là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Verig phát biểu tại Hội thảo khoa học "Liên kết - hành động vì hàng Việt".

Chiều 15.11, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức hội thảo khoa học “Liên kết- Hành động vì hàng Việt”.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp và các chuyên gia cùng thảo luận những giải pháp và đề cao tính liên kết trong việc mở rộng hệ thống bán lẻ, tiêu thụ sản phẩm thương hiệu Việt Nam tới tay người tiêu dùng. 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với tốc độ thâm nhập và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng, tạo sức ép cạnh tranh ngày một lớn đối với các doanh nghiệp Việt.

Hội thảo “Liên kết - Hành động vì hàng Việt“. Ảnh: TL.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch VINASME cho biết, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, cùng với đó là tốc độ thâm nhập thị trường và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đã gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hoá sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần, thiếu vắng thương hiệu Việt Nam

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Verig cho rằng vẫn có những giới hạn và rào cản khiến người tiêu dùng Việt chưa thực sự sử dụng hàng Việt.

"Nhiều người tiêu dùng Việt Nam có tâm lí "sính ngoại", ưa chuộng sản phẩm sản xuất ở nước ngoài ngay cả khi cùng một loại sản phẩm được sản xuất nội địa với chất lượng tương đương và giá còn nhẹ nhàng hơn. Không khó để nhận ra tâm lí sính ngoại khi bước vào siêu thị và quan sát người mua đồ may mặc, mỹ phẩm và thực phẩm", Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.

Đề xuất phương án thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chính phủ, các hiệp hội thương mại cần phổ biến chủ trương này một cách rộng rãi và quyết liệt hơn để thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng Việt. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp tiên phong trong việc sản xuất và phân phối hàng Việt cần phải được hỗ trợ về mặt tài chính. 

Còn Tiến sĩ Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên thường trực, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần phải tăng ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt phát triển, muốn hàng hoá tốt thì giá thành giá phẩm cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất. Nhà nước phải có vai trò và chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; phải kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, hàng hoá và việc tuân thủ của doanh nghiệp; chống gian lận thương mại, giả xuất xứ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn