MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện nay, phần lớn các chủ tàu đã ký cam kết không xâm phạm vùng biển ngư trường nước ngoài. Ảnh: PV

Nỗ lực khắc phục “thẻ vàng”, mở cửa thoát hiểm cho hải sản Việt Nam?

Phong Nguyễn LDO | 05/02/2018 14:00
Theo thông báo của Liên minh Châu Âu (EU), đến hết quý 1.2018, nếu Việt Nam không khắc phục được tình trạng “thẻ vàng”, đáp ứng được các yêu cầu của EU đưa trong khai thác, xuất khẩu (XK) hải sản, thì hải sản Việt Nam có nguy cơ bị “thẻ đỏ”.

Để đưa hải sản Việt Nam thoát khỏi nguy cơ bị cấm XK sang EU, Bộ NNPTNT và ngành thủy sản đang rốt ráo triển khai các biện pháp khắc phục.

Quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), “thẻ vàng” của EU là 1 khó khăn và thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến XK hải sản của Việt Nam, làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của hải sản Việt Nam; XK sang thị trường EU bị sụt giảm, đồng thời tác động xấu đến việc XK sang các thị trường khác như Mỹ - nước đang chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhằm chống khai thác IUU từ 1.1.2018. Trong khi đó, ngành thủy sản đang đặt mục tiêu xuất khẩu đạt trị giá 9 tỉ USD trong năm 2018.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho ngư dân, tập trung nguồn lực thực hiện chỉ đạo Công điện của Thủ tướng Chính phủ để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân đánh bắt cá trái phép.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh và người đứng đầu địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu không ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra, xử lý, điều tra các hành vi vi phạm khai thác IUU theo quy định; lập và định kỳ công bố danh sách tàu cá vi phạm khai thác IUU.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam - Hội nghề cá đã và đang cùng các Bộ, ngành tăng cường tuyên truyền đến ngư dân thực hiện nghiêm các khuyến nghị từ phía EU đưa ra để tránh rơi vào nguy cơ bị “giơ thẻ đỏ”, bởi khi bị “thẻ đỏ”, toàn bộ thủy sản Việt Nam sẽ cấm được xuất khẩu vào EU. Người đứng đầu các địa phương cần nâng cao vai trò và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm của ngư dân.

Giám sát hành trình tàu cá

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngoài việc phải ngăn chặn được tình trạng các tàu đi đánh bắt cá trái phép, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý để truy xuất xuất xứ thủy sản đánh bắt; quản lý hoạt động đánh cá theo đúng các quy định về vấn đề bảo vệ nguồn lợi. Trong đó hướng vào tuyên truyền các đội tàu đánh bắt những đối tượng thủy sản phục vụ XK.

Theo đó, Bộ NNPTNT sẽ thực hiện phân bổ thiết bị đầu cuối lắp đặt trên tàu cá thuộc dự án Movimar và chia sẻ dữ liệu quản lý cho các địa phương; nâng cấp Trạm bờ tại Tổng cục Thủy sản và 28 tỉnh, TP ven biển đảm bảo thiết bị HF kết nối tự động cho 9.000 tàu cá đã được lắp đặt.

Đồng thời tổ chức lại bộ máy quản lý của cảng cá đảm bảo đủ năng lực kiểm soát tàu cá ra vào cảng, thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản và xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

Xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát hoạt động tàu cá (VMS) chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa Tổng cục Thủy sản và 28 tỉnh, TP ven biển, các cơ quan chức năng có liên quan. Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch tổng thể về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra hoạt động của tàu cá khai thác thủy sản trên biển và tại cảng cá theo quy định (mẫu của EC); trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hệ thống thông tin thủy sản, trong đó có Dự án Hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II để giám sát các tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển, chống khai thác IUU, đảm bảo giám sát hành trình tàu cá theo yêu cầu của EC. Đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý, đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản đồng bộ, chia sẻ từ Trung ương đến địa phương.

Bộ NNPTNT sẽ công bố trữ lượng nguồn lợi thủy sản đã được điều tra ở một số vùng biển làm cơ sở quy hoạch, tổ chức lại đội tàu khai thác hải sản phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản. Phê duyệt Quy hoạch khai thác hải sản xa bờ đến 2020, tầm nhìn 2030; chỉ đạo UBND các tỉnh ven biển kiểm soát số lượng tàu cá đóng mới theo quy hoạch.

Tiếp tục thực hiện các quy định về hạn chế, cấm phát triển đóng mới tàu cá ven bờ, ra quy định về cấm đóng mới tàu làm nghề lưới kéo, chuyển đổi tàu cá làm nghề lưới kéo sang khai thác thân thiện với môi trường; sửa đổi kế hoạch quản lý cá ngừ phù hợp quy định quốc tế.

Được biết, hiện tại, các địa phương đã động viên chủ các tàu cá đã cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Trong đó, riêng tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có 240 chủ tàu ký cam kết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn