MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều diện tích cam sành tại Hàm Yên (Tuyên Quang) đang già cỗi, sâu bệnh và thường xuyên bị rụng kín vườn đồi. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Nỗi buồn cam sành Hàm Yên: Cây chết hàng loạt, rớt giá, càng cố càng lỗ

Nguyễn Tùng - Nguyễn Hoàn LDO | 19/12/2022 13:33
Tuyên Quang - Vốn là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho huyện Hàm Yên nhưng vài năm trở lại đây, vùng cam sành lớn nhất nhì miền Bắc này đã không còn sôi động. Cây cam đã không còn được người nông dân mặn mà như nhiều năm về trước.

Càng gồng mình giữ cam, càng lỗ

Chị Hoàng Thị Minh (xã Tân Thành, Hàm Yên) đã gắn bó với nghề trồng cam hơn 10 năm. Trước đây, với 400 gốc cam cho thu hoạch từ 30 - 50 tấn mỗi năm, sau khi khấu trừ chi phí đầu tư, gia đình chị lãi ròng cả trăm triệu đồng.

Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước, hiện 400 gốc cam của chị Minh đã xuất hiện tình trạng vàng lá, quả cam teo tóp sau đó lụi và chết dần. Dù đã bỏ không ít tiền, công sức chăm sóc nhưng những cây cam trong vườn không thể phục hồi khiến gia đình chị phải gánh lỗ hàng chục triệu đồng.

Những đồi cam sành không còn tươi tốt, trĩu quả như nhiều năm về trước. Ảnh: Nguyễn Hoàn

“Ở thôn cứ 10 hộ thì có đến 6 hộ vườn cam bị chết, những hộ còn thì lác đác quả. Giờ nhiều hộ họ chặt lấy củi bán. Sang đầu năm sau, tôi sẽ chặt bỏ để trồng keo, luân canh chu kỳ, sau đó trồng lại cam.

Với tuổi đời trên 8 năm thì bây giờ cây cam chỉ có chết thôi, không cách nào khắc phục được nên bỏ mặc như vậy. Mấy tháng trước Tết này, tôi sẽ xin làm công nhân ở công ty để có tiền trang trải sinh hoạt, nuôi con ăn học” -  chị Minh than thở.

Với những hộ có diện tích vườn cam lớn lên đến hàng nghìn gốc cam thì tình trạng cam vàng lá, héo chết càng khiến nhiều chủ vườn lao đao bởi gần như càng trồng càng lỗ.

Anh Hoàng Văn Bắc (xã Phù Lưu, Hàm Yên) từng có khoảng 2.000 gốc cam với thu hoạch cả tỉ mỗi năm giai đoạn cây cam đang thịnh. Nhưng dịch bệnh rồi thời tiết bất lợi cộng với đã ở cuối chu kỳ khai thác, hiện số gốc cam còn duy trì đã vơi đi nhiều.

"Vài năm trở lại đây, mỗi mùa thu hoạch, gần 1.500 cây cam chỉ cho sản lượng khoảng 70 tấn, lúc cam rớt giá còn 2.000 đồng/kg. Thu về khoảng 150 triệu đồng trong khi chi phí đầu tư bỏ ra là hơn 300 triệu đồng, lỗ nặng thế thì duy trì cây cam quả là khó" - anh Bắc tâm sự.

Nhiều diện tích cam đã không còn được người dân thiết tha chăm sóc vì sâu bệnh, già cỗi và mất giá. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Theo ông Đỗ Hữu Ngọc - Chủ tịch UBND xã Tân Thành, việc nhiều người dân không còn mặn mà với cây cam cũng dễ hiểu khi giá cam liên tục rớt giá trong khi sâu bệnh khiến sản lượng sụt giảm. Vốn là 1 trong 15 xã được quy hoạch vùng cam sành nhưng hiện nay diện tích cam trên địa bàn đang giảm.

Vị này cho hay: "Toàn xã có khoảng 600 hộ trồng cam với tổng diện tích khoảng 900 ha nhưng đang có xu hướng giảm. Nhiều hộ đã chặt bỏ để trồng loại cây khác khi mà hơn 70% số cây cam trong vườn bị sâu bệnh, không thể khắc phục".

Rủi ro khó tránh

Vì là nằm trong vùng quy hoạch nên các xã như Tân Thành, Phù Lưu vẫn khuyến khích người dân sau khi luân canh loại cây khác từ 3 - 5 năm nhằm tiêu trừ mầm bệnh gây hại thì vẫn tiếp tục trồng cam. 

Trao đổi với PV, ông Phạm Quốc Hùng - Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên - cho biết, hiện tượng cam vàng lá, lụi đi và chết dần diễn ra khoảng đầu năm 2021. Tình trạng xuất hiện tại hầu hết địa phương và nhiều nhất vẫn là những vườn cam đã già, ở cuối chu kỳ khai thác.

This browser does not support the video element.

Chi phí đầu tư cao trong khi giá cam rẻ khiến người nông dân ít mặn mà. Video: Nguyễn Hoàn

Nguyên nhân ngoài dịch bệnh do cây cam ở cuối chu kỳ khai thác, sức chống sâu bệnh kém thì còn yếu tố thời tiết bất lợi. Chỉ cần một trận mưa axit là coi như người nông dân gánh chịu thiệt hại nặng nề khi quả cam thối cuống và rụng vàng gốc.   

“Lĩnh vực nông nghiệp vốn tiềm ẩn những rủi ro. Gần như năm nào cũng có tình trạng cam rụng do mưa axit, năm nay được đánh giá ở mức độ nặng. Có vườn sản lượng 100 tấn quả nhưng có thể rụng 40 - 60 tấn quả chỉ trong 1 đêm. Trồng càng nhiều thiệt hại càng lớn” - ông Hùng thông tin.

Đã có lúc người dân khởi sắc nhờ cam, nhưng hiện tại không ít hộ đã phải tay trắng. Tình trạng cam chết hàng loạt, người dân gánh lỗ kéo dài dẫn tới không chăm sóc hoặc phải chặt bỏ cả vườn cam để thay thế bằng giống cây khác cũng là điều dễ hiểu.

Theo quy hoạch, vùng cam sành tại Tuyên Quang trải dài trên 15 xã của các huyện Hàm Yên và Chiêm Hoá. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp tại đây đã cho chất lượng quả cam nổi trội hơn các khu vực khác.

Tổng diện tích cam sành hiện tại khoảng trên 7.500ha, trong đó số diện tích cho thu hoạch gần 7.000ha với sản lượng trung bình 80.000 tấn mỗi năm.

Tháng 10.2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho cam sành Hàm Yên. Trước đó, năm 2013, cam sành Hàm Yên cũng lọt top 10 trái cây ngon nhất Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn