MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diện tích đất trồng sầu riêng ở Đắk Lắk đang ngày càng tăng cao. Ảnh: Bảo Trung

Nông dân không nên ồ ạt trồng sầu riêng nếu chưa nắm vững kỹ thuật

BẢO TRUNG LDO | 16/08/2023 16:07

Đắk Lắk - Lãnh đạo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người nông dân không nên vội vã trồng sầu riêng khi chưa nắm vững kỹ thuật, cần bỏ tư duy "ăn xổi", làm theo số đông để tránh gây ảnh hưởng đến uy tín chất lượng nông sản của địa phương.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hoài Dương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk - cho hay, trước tình hình biến động về giá của mặt hàng sầu riêng, đơn vị đã liên tục có văn bản tham mưu UBND tỉnh và đã có văn bản khuyến cáo bà con tại địa phương không nên vội vàng chuyển đổi sang trồng loại nông sản này một cách ồ ạt.

UBND các địa phương phải tuyên truyền cho bà con hết sức cẩn trọng, chỉ phát triển trồng sầu riêng ở những nơi có điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. Ngoài ra, bà con phải chú ý về chất lượng giống, quy trình chăm sóc bài bản đúng kỹ thuật để nơi canh tác sớm được cấp mã vùng trồng. Tiếp đó, người dân mới liên kết hợp tác với doanh nghiệp có tiềm lực để sau này có đầu ra ổn định, tránh xảy ra những biến động thay đổi thất thường.

Thống kê của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk: Địa phương hiện có 22.458ha sầu riêng (diện tích cho thu hoạch trên 9.600ha), chiếm 43,2% diện tích cây ăn quả. Riêng năm 2023, dự kiến diện tích sầu riêng thu hoạch tăng lên trên 12.000ha, sản lượng đạt trên 200.000 tấn.

Một vườn cây sầu riêng chuẩn bị đến mùa thu hoạch ở Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Theo ông Dương: Cơ quan chức năng ở địa phương vẫn khuyến khích bà con áp dụng những cách làm hay, sáng tạo để cố gắng giảm giá thành đầu tư nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nông sản. Và việc quan trọng nhất hiện nay cần làm không phải là gia tăng sản lượng, diện tích trồng sầu riêng mà là gây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh. Sầu riêng của Đắk Lắk có "thắng" được các giống đến từ Malaysia, Thái Lan... hay không là trách nhiệm của ngành nông nghiệp tỉnh và ở chính bà con nông dân.

Sầu riêng Đắk Lắk phải cố gắng nhiều hơn nữa để được cơ quan chức năng có uy tín cấp bằng chứng nhận, đánh giá cao về chất lượng. Người nông dân không nên có suy nghĩ "ăn xổi" trồng sầu riêng một cách vội vã khi chưa nắm vững kỹ thuật, trồng ở khu vực đất, khí hậu không phù hợp. Bà con phải nghĩ đến chuyện lâu dài, hướng đến mục tiêu chung của sầu riêng Đắk Lắk. Thực tế, Đắk Lắk vẫn còn dư địa phát triển sầu riêng nhưng nông dân phải chú trọng về chất lượng cây giống, trồng ở những vùng phù hợp.

Trước đó, báo Lao Động đã có bài phản ánh việc nhiều gốc sầu riêng trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bất ngờ rụng trái non, chưa chín, khiến người nông dân đứng ngồi không yên vì đã mất nhiều tiền bạc đầu tư, công chăm sóc.

Ngoài ảnh hưởng của thời tiết, cách bổ sung dinh dưỡng cho cây sầu riêng của bà con trong các thời điểm khác nhau chưa đúng nên có sự cạnh tranh giữa rễ, lá, quả và dẫn đến sự cố nói trên.

Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng Trạm khuyến nông huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) - xác nhận: "Địa bàn huyện có khoảng 850ha diện tích đất trồng sầu riêng. Thời gian gần đây, cây sầu riêng bắt đầu ra hoa, kết quả thì không may vướng phải sự cực đoan của thời tiết. Ban ngày thì quá nóng, ban đêm lạnh, biên độ nhiệt quá lớn dẫn đến việc sầu riêng bị sốc nhiệt, rụng quả ở một số vườn, gây thiệt hại cho bà con nông dân.

Cây sầu riêng vốn có giá trị kinh tế cao nhưng khó chăm sóc, bảo vệ, kỹ thuật trồng cao. Theo tôi, việc chuyển đổi cây trồng là quyền của bà con nhưng khi triển khai người dân phải nắm nền tảng cơ bản, kỹ thuật thì mới tăng gia sản xuất. Nếu làm một cách vội vàng, không nắm vững kiến thức cơ bản, kỹ thuật thì rất dễ lỗ vốn khi trồng loại nông sản này".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn