MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dãy chuồng trại chăn nuôi gà hiện đang bỏ không tại xã Lam Sơn, huyện Tam Nông. Ảnh: Tô Công.

Nông dân Phú Thọ lao đao, tính treo chuồng dù sắp năm hết, Tết đến

Tô Công LDO | 23/11/2022 08:22
Phú Thọ - Chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá gà trên thị trường quá thấp khiến nhiều người chăn nuôi gặp khó khăn, không ít người tính chuyện "treo chuồng".

Từ đầu năm đến nay, hoạt động chăn nuôi tại tỉnh Phú Thọ duy trì khá ổn định, không xuất hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Riêng đối với chăn nuôi gà, theo Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, tổng đàn gà tính đến tháng 10 năm 2022 đạt 14 triệu con.

Tuy nhiên, hiện tại, các doanh nghiệp hoạt động chăn nuôi gà ở địa phương này đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình lạm phát, giá con giống, các loại cám, thuốc thú y... đều ở mức đu đỉnh khiến các chi phí đầu vào tăng cao.

Mặc dù vậy, nhưng nhiều tháng nay, giá các loại gà bán ra trên thị trường lại không được như kỳ vọng. Ở thời điểm hiện tại, giá gà bán ra quá thấp, giảm sâu dưới mức lỗ khiến nhiều cơ sở chăn nuôi lao đao.

Giá các loại gà thịt tại Phú Thọ đang giảm xuống mức thấp.

Anh Phan Thanh Tùng - chủ trang trại đang chăn nuôi 5.000 cá thể gà thịt tại xã Lam Sơn, huyện Tam Nông cho biết, giá các loại gà bán ra trên thị trường đều giảm sâu so với thời điểm tháng 5, tháng 6 năm 2022. Trong khi đó, các chi phí đầu vào, nhất là giá cám vẫn tiếp tục tăng cao khiến cơ sở của anh Tùng kinh doanh thua lỗ.

Theo anh Tùng, tại tỉnh Phú Thọ có 3 loại gà cơ bản: Gà mía Sơn Tây đang bán giá khoảng 82.000 đồng/1kg, gà Dabaco giá 72.000 đồng/1kg, gà lai giá 58.000 đồng/1kg. Với giá cám các loại, 5 tháng qua đã đồng loạt tăng khoảng 5.000 đồng/1 bao, giá bình quân mỗi bao cám trên dưới 360.000 đồng.

"Hồi tháng 5, tháng 6: Giá gà mía Sơn Tây khoảng 105.000 đồng/1kg, gà Dabaco 85.000 đồng/1kg, gà lai 72.000 đồng/1kg. Lúc đó, người dân chăn nuôi có lãi, nhưng với giá thấp như hiện tại cộng với chi phí đầu vào ở mức cao, chăn nuôi gà chắc chắn lỗ" - anh Tùng so sánh và nhận định.

Quá khó khăn, cơ sở chăn nuôi gà của anh Tùng không tiếp tục tái đàn.

Đồng quan điểm với anh Tùng, anh Ngô Văn Khánh - chủ trang trại đang nuôi khoảng 4.000 cá thể gà thịt tại xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê cho biết, với tình hình chăn nuôi gà khó khăn như hiện tại, việc tái đàn gần như sẽ là điều không thể vì nguồn vốn sẵn có để duy trì đã cạn kiệt, nguồn vốn vay cũng khan hiếm.

"Thường thì càng về cuối năm, chăn nuôi sẽ càng khởi sắc, nhưng năm nay thì ngược lại, tình hình thật sự rất khó khăn vì giá gà bán ra quá thấp, người dân chăn nuôi chúng tôi đang bắt đầu phải tính đến việc treo chuồng" - anh Tùng bộc bạch.

Không chỉ các doanh nghiệp, người dân đa phần cũng không còn mặn mà với việc nuôi gà.

Bà Nguyễn Thị Minh - người dân sống tại xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê chia sẻ: "Trước kia, cứ đến cuối năm, tôi lại nuôi nhiều gà để phục vụ Tết của gia đình và bán đi khi được giá, nhưng năm nay, giá cám tăng cao mà giá gà ngoài chợ hiện cũng khá rẻ nên tôi cũng chẳng muốn nuôi nữa".

Bà Minh năm nay chỉ nuôi một số cá thể gà, ngan để phục vụ nhu cầu của gia đình dịp Tết.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Trần Thị Thu Hưởng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Khê cho biết, trên địa bàn huyện hiện nay có hơn 120.000 cá thể gà. Mặc dù, giá gà thời điểm hiện tại cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng năm nay chi phí đầu vào rất cao nên các cơ sở chăn nuôi gà gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Hưởng, khó khăn kéo dài, hầu hết các cơ sở chăn nuôi đều đã vay vốn trước đó, đến nay khi muốn vay tiếp rất khó, vì các ngân hàng đang xiết tín dụng cho vay và lãi suất vay cũng đang ở mức cao.

"Mong rằng từ giờ đến cuối năm, khi nhu cầu gà phục vụ Tết Nguyên đán tăng cao, giá gà bán ra cũng sẽ tăng để người  dân chăn nuôi bớt khó khăn, có thêm kinh phí để có thể tiếp tục bám trụ" - bà Hưởng bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn