MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diện tích lúa nếp tại ĐBSCL mở rộng, trong khi sản lượng XK giảm khiến tồn hàng trăm nghìn tấn lúa nếp. Ảnh: P.V

Ồ ạt mở rộng diện tích, hàng trăm nghìn tấn lúa nếp “dội kho”!

Khánh Vũ LDO | 22/08/2017 11:03

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), do nông dân tự ý ồ ạt mở rộng diện tích trồng lúa nếp trong hai vụ đông xuân 2016-2017 và hè thu 2017, số lượng gạo nếp đến thời điểm này đang tồn đọng hàng trăm nghìn tấn mặc dù giá đã giảm khá sâu. Trong khi đó, từ 1.8, lượng nhập khẩu gạo nếp của Trung Quốc - thị trường lớn nhất về XK gạo của Việt Nam, đang giảm mạnh và đầy bấp bênh.

Lý giải về nguyên nhân mở rộng diện tích trồng lúa nếp, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, năm 2016, trong khi các loại gạo chủ lực như gạo trắng, gạo thơm đều giảm về lượng xuất khẩu (XK), thì XK gạo nếp lại tăng mạnh, đạt 1,02 triệu tấn (tăng trên 96% so năm 2015, chiếm 20,9% tổng lượng gạo XK). XK nếp tăng mạnh khiến cho giá lúa nếp 2016 luôn ở mức tốt.

Thấy lợi là làm, nông dân ở nhiều địa phương ồ ạt mở rộng hoặc dành thêm diện tích mới canh tác lúa nếp, khiến diện tích gieo trồng lúa nếp ở ĐBSCL vụ này tăng 87.848ha so với vụ ĐX trước, đạt đến 223.044ha.

Do tăng mạnh diện tích trong cả hai vụ đông xuân và hè thu, lúa nếp đã chiếm tỉ lệ tới 25,2% trong cơ cấu giống lúa các tỉnh ĐBSCL. Sản lượng lúa nếp năm nay đã tăng mạnh, đạt tới 2.558.634 tấn, tăng 665.732 tấn so năm 2016.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Lê Thanh Tùng - Phụ trách VP phía Nam, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - cho biết: Từ cuối năm ngoái, Cục Trồng trọt đã khuyến cáo với bà con nông dân. Đầu năm 2017, công văn số 184/TT-CLT của Cục Trồng trọt nêu rõ việc sản xuất lúa nếp cần phải theo dõi thị trường tiêu thụ để khuyến cáo nông dân gieo sạ các giống lúa phù hợp.

Đặc biệt duy trì đúng quy hoạch diện tích gieo sạ các giống lúa nếp, không để nông dân tăng diện tích tự phát, dễ xảy ra rủi ro về tiêu thụ. Tiếp đó, ngày 4.4, Cục Trồng trọt tiếp tục có công văn 385/TT-CLT lưu ý các địa phương về gieo trồng lúa nếp vì chất lượng không cao và đề phòng thị trường không thuận lợi. Tuy nhiên, diện tích lúa nếp vụ hè thu 2017 vẫn tăng so với vụ hè thu 2016, tăng 20.339ha và đạt 178.094ha.

Theo một số DN xuất khẩu gạo, nguyên nhân chính khiến giá gạo nếp XK sang Trung Quốc “lao dốc” là từ 1.8.2017, nước này tăng thuế NK đối với gạo nếp. Trước đây, gạo nếp NK vào Trung Quốc được áp dụng hạn ngạch (quota) NK đối với loại gạo hạt ngắn ở mức 20USD/tấn, cộng với 1% thuế lương thực.

Nhưng quy định mới từ 1.8, gạo nếp NK phải mua quota hạt dài, lên mức 110USD/tấn và vẫn đóng thuế 1%. Trong trường hợp doanh nghiệp không mua quota thì phải đóng 65% thuế NK. Sự thay đổi này đã khiến chi phí NK gạo nếp vào thị trường Trung Quốc tăng cao.

Để bù đắp cho chi phí tăng, các doanh nghiệp NK gạo của Trung Quốc đã hạ giá thu mua xuống. Do Trung Quốc giảm mạnh số lượng NK gạo nếp từ Việt Nam, khiến lượng gạo tồn đọng, giá gạo giảm thấp. Hiện tại, giá gạo nếp Việt Nam XK sang Trung Quốc chỉ còn 425-435USD/tấn, giảm 50-60USD/tấn so với trước đó.

Theo bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Cty TNHH Lương thực - Thực phẩm Long An, gần một tuần nay XK gạo nếp của các doanh nghiệp sang thị trường Trung Quốc bắt đầu chậm lại. Giá gạo nếp XK và tiêu thụ nội địa đều đang có xu hướng giảm. Cụ thể, cách đây một tuần, giá gạo nếp bán giá 460-470USD/tấn thì nay chỉ còn từ 420-430USD/tấn.

Giá gạo nếp nội địa theo đó cũng giảm mạnh. Bộ NN&PTNT cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, lượng gạo nếp Việt Nam XK sang Trung Quốc quá nhiều, trong khi nhu cầu NK của nước này chỉ khoảng 1,5 triệu tấn/năm.

Do nhu cầu bão hòa, lượng gạo tồn đọng không giải phóng được, giá lúa nếp càng giảm sâu và mức giảm chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu như trong vụ đông xuân 2016-2017, giá lúa nếp vẫn còn cao, từ 5.000-5.800đ/kg, thì vụ hè thu chỉ còn 4.500-5.100đ/kg, thậm chí có nơi chỉ còn 4.200-4.300đ/kg.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn