MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phạt gần 3 tỉ đồng những cơ sở kinh doanh vi phạm an toàn thực phẩm

Anh Tuấn LDO | 01/10/2019 13:51

Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội vừa có báo cáo Kết quả kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Xử phạt 3 tỉ đồng vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm

Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, để ngăn chặn tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng lưu thông trên thị trường; đồng thời nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch số 13 về kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong đó, thành lập 1 Tiểu ban chỉ đạo kiểm tra xử lý và 2 Đoàn kiểm tra liên ngành với các thành phần gồm: Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội; Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an thành phố; Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm - Sở Y tế Hà Nội.

Về kết quả kiểm tra, xử lý: Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 133 vụ, xử lý 130 vụ, tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là gần 3 tỉ đồng (trong đó trị giá hàng hóa vi phạm là 1,6 tỉ đồng).

Lực lượng 389 Hà Nội xử lý nhiều trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm. Ảnh: V.C

Đánh giá về những mặt đạt được, Tiểu ban chỉ đạo kiểm tra, xử lý đã chỉ đạo 2 Đoàn kiểm tra làm tốt công tác điều tra, nắm bắt địa bàn; có phiếu giao việc cho các Đoàn kiểm tra theo kế hoạch và phê duyệt đề xuất kiểm tra theo đề nghị của các Đoàn kiểm tra.

Trong quá trình kiểm tra, các Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra theo đúng nội dung của Kế hoạch và đề xuất kiểm tra đã được phê duyệt.

Các Đoàn kiểm tra trong quá trình kiểm tra đã kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các cơ sở kinh doanh; vận động các cơ sở kinh doanh như các quán ăn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh, sản xuất ký cam kết không buôn bán, kinh doanh, sản xuất thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo An toàn thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

Qua kiểm tra cho thấy, bên cạnh các trường hợp vi phạm đã được các đoàn liên ngành nhắc nhở và xử lý, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chấp hành khá tốt các quy định của pháp luật. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, các Đoàn kiểm tra đã xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật góp phần lành mạnh thị trường, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Kiểm soát ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả

Đánh giá về những khó khăn, hạn chế, Đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, nhóm mặt hàng kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là nhóm mặt hàng nhạy cảm, tiêu dùng hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân, thường được các đối tượng buôn lậu chia nhỏ số lượng, cất giấu hàng hóa ở nhà dân, nhà chung cư, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Nhận thức của các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh cũng như người tiêu dùng về An toàn thực phẩm còn hạn chế. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng còn chưa cao do chạy theo lợi nhuận trước mắt, coi thường tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng.

Sự vào cuộc tích cực của Quản lý thị trường trong vấn đề kiểm soát thực phẩm.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát an toàn thực phẩm chưa đồng bộ, còn thiếu và chồng chéo, gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế.

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đề nghị các sở, ngành thành viên và Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác quản lý địa bàn; kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn mình quản lý.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, hàng thực phẩm vi phạm an toàn thực phẩm.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển thực phẩm vào thành phố gắn với các chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của các chốt kiểm dịch này tránh việc kiểm soát hình thức.          

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn