MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quán nhậu thoi thóp vì tác động kép, ngành bia kiến nghị "không tăng thuế"

Cường Ngô LDO | 01/03/2020 15:52
Không chỉ chịu tác động kép bởi Nghị định 100/2019 và dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà hàng, quán ăn còn chịu tác động bởi giá thực phẩm tăng cao.

Chờ qua mùa dịch để bán hàng trở lại

So với cùng kỳ năm ngoái, quán nhậu do anh Minh làm tổng quản lý trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) có thể lãi 100-200 triệu đồng/ngày, nay quán bia này thông báo “nghỉ Tết sâu”.

Theo thông báo trên tấm banner treo trước cửa hàng: “Chúng tôi nghỉ Tết từ ngày 22.1.2020 (tức 28 Tết âm lịch) đến ngày 3.2.2020 (tức 10 tháng Giêng)”, tuy nhiên, đến nay quán vẫn chưa được mở cửa trở lại. Như lời anh Minh nói “chưa biết bao giờ mở cửa trở lại”.

“Đây là một trong những quán bia có nhiều hệ thống nhất Hà Nội. Ngày trước, quán có thể thu về hơn 100 triệu đồng hôm thấp điểm, hoặc hơn 200 triệu vào cao điểm. Giờ quán đóng, nhân viên nghỉ, không kiếm được đồng nào vẫn phải gánh tiền thuê mặt bằng, bảo vệ…”, anh Minh nói và cho biết, quán của anh nằm ở vị trí đắc địa nhất trên đường Trần Thái Tông với 2 mặt tiền.

“Nhưng như vậy là may mắn lắm rồi”, Minh nói và giải thích nếu cố duy trì việc bán hàng thì quán sẽ lỗ nặng, thất thu khó kiểm soát. Bởi, thời điểm này hầu hết những điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống đều chiụ tác động kép từ Nghị định 100/2019 khi người sử dụng rượu bia mà tham giao giao thông sẽ bị phạt nặng, nay cộng thêm dịch COVID-19 nên mọi người có tâm lý ngại đi uống, ngại tập trung nơi đông người.

Ông Nguyễn Thế Bình (bảo vệ của quán nhậu) chia sẻ - khi cửa hàng đông khách, nhà hàng trả lương cho ông 6 triệu đồng/tháng, song, kể từ khi quán nghỉ bán, lương của ông chỉ còn 4 triệu đồng.

Quán nhậu phải đóng cửa vì không có khách. Ảnh: Ngô Cường 

Cùng cảnh ngộ với quán bia của anh Minh, nhiều tụ điểm ăn uống thuộc nhóm “có cồn” trên đường Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Phong Sắc, Đường Láng – thời điểm này cũng “vắng như chùa bà đanh”.

“Chúng tôi cố duy trì quán thôi, chứ lời lãi gì tầm này. Từ sau Tết đến giờ, giá thực phẩm nhảy múa chóng mặt, tăng cao, khách thì không có, bán bia cho ai. Nhiều cửa hàng muốn tìm chủ mới để sang nhượng, song cũng chật vật, ai dại gì mà đeo bòng”, anh Nguyễn Văn Hùng – quản lý quán nhậu trên Đường Láng cho biết.

Theo anh Hùng, nhiều khi cả ngày chẳng có một khách ghé thăm. Các nhân viên người ngồi ngủ, lướt điện thoại xem phim, nghe nhạc... Thế nhưng, hằng tháng cửa hàng vẫn phải đóng hơn 1 triệu đồng phí vệ sinh môi trường, chưa kể tiền mặt bằng, ăn uống và thuế. "Nếu tình hình này kéo dài, chúng tôi không trụ nổi", anh Hùng nói.

Cho nhân viên tạm nghỉ việc vì... không trụ nổi

“Tác động kép" khiến các con đường ẩm thực, khu ăn uống giờ chỉ còn người bán nhìn nhau. Phố Tống Duy Tân, Cấm Chỉ - nơi được mệnh danh là thiên đường ăn uống ở Hà Nội, không ít quán sau Tết bị sụt giảm doanh thu từ 20-30%, thậm chí 50%. 

Anh Nguyễn Quang – chủ quán lẩu ở phố Cấm Chỉ cho biết, những ngày này quán của anh chỉ đón khoảng 25-30 khách mỗi ngày, tương đương 5 bàn khách, trong khi đó cửa hàng anh phải trả lương cho 6 nhân viên phục vụ bàn, 3 đầu bếp và số tiền không nhỏ cho việc thuê mặt bằng.

Theo anh Quang - anh vừa cho hai nhân viên nghỉ việc vì lợi nhuận không đủ chi phí trả lương. "Mỗi tháng tôi phải trả 45 triệu cho 3 đầu bếp, hơn 40 triệu cho 6 nhân viên phục vụ bàn, nhưng giờ doanh thu của quán chưa đến 100 triệu đồng/ngày thì trả lương kiểu gì.

Cho nên, tôi tạm cho 2 người nghỉ việc, khi nào quán đông khách, tôi gọi họ trở lại làm việc", anh Quang nói, đồng thời cho biết, anh và một số hộ kinh doanh khác đã làm đơn xin được giảm 50% thuế hằng tháng (từ 3-5 tháng, bắt đầu từ tháng 2.2020). 

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ngành bia rươụ bị ảnh hưởng rất lớn bởi đang chịu tác động kép (Nghị định 100/2019 và dịch COVID-19). Doanh số bán bia của các doanh nghiệp bị giảm sút mạnh (trên 30%). Những địa điểm giải trí về đêm và các cơ sở phục vụ ăn uống tại các thành phố mà các hãng bia kinh doanh hiện đã đóng cửa rất nhiều. Doanh thu xuất khẩu trang thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề trong quý I.

Từ những khó khăn trên, ông Hoài cho biết, hiện Hiệp hội Bia-Rượu-NGK Việt Nam đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố nhìn nhận được những khó khăn trên, từ đó không ban hành thêm các quy định pháp luật khác như tăng thuế, để tạo điều kiện giúp cho ngành phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn