MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam có quy mô chăn nuôi lớn, nhưng giá trị xuất khẩu chưa tương xứng. Ảnh: Vũ Long

Quy mô “hoành tráng”, nhưng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đang “đội sổ”

Vũ Long LDO | 28/01/2022 19:23
Tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi chưa tương xứng với quy mô. Năm 2021, mục tiêu xuất khẩu 1,5 triệu USD đã thất bại.

Giá trị xuất khẩu "tỉ lệ nghịch" với quy mô chăn nuôi

Sản phẩm ngành chăn nuôi xuất khẩu được chia làm 5 nhóm: Thịt và sản phẩm thịt; vật nuôi còn sống; sữa và sản phẩm sữa; trứng; các sản phẩm khác. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 440 triệu USD, nhưng nhập khẩu ước trên 3,4 tỉ USD. Như vậy, năm 2021 nhóm sản phẩm chăn nuôi đã nhập siêu tới 2,96 tỉ USD. Trong các sản phẩm thịt xuất khẩu, thịt gà chiếm tỉ trọng lớn nhất.

Với quy mô 28 triệu con lợn, tăng 7,1%; 525 triệu con gia cầm, tăng 5,8%; đàn trâu, bò giữ ổn định ở mức trên 8,6 triệu con, trong đó đàn bò khoảng 6,5 triệu con (riêng đàn bò sữa đạt 375,2 nghìn con, tăng 13,2%); sản lượng thịt hơi các loại ước khoảng 6,69 triệu tấn, tăng 3,2%; sản lượng sữa tươi ước gần 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%; sản lượng trứng trên 17,5 tỉ quả (tăng 5,1%)… so với năm 2020, ngành chăn nuôi được coi là có quy mô “hoành tráng” nhất trong các nhóm của ngành (NNPTNT). Tuy nhiên, xuất khẩu thịt và các sản phẩm chăn nuôi đang ở mức rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là “đội sổ”, chưa tương xứng với quy mô của ngành này. 

Mặc dù, theo ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), đến nay, ngành chăn nuôi đã có những khởi sắc trong xuất khẩu, điển hình là sản phẩm sữa đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; thịt gà đã được xuất khẩu sang 7 nước trong đó có cả thị trường “khó tính” là Châu Âu (EU)... Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, Việt Nam đứng 5 thế giới về sản lượng thịt lợn móc hàm, thế nhưng, trong thị trường thịt lợn toàn cầu quy mô 28,5 tỉ USD, mỗi năm Việt Nam chỉ thu về 45 triệu USD từ xuất khẩu thịt lợn.

Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 1,5 tỉ USD từ thịt và sản phẩm chăn nuôi. Ảnh: Vũ Long

Bên cạnh mặt hàng thịt lợn và sữa, năm 2021, thịt gà chế biến xuất khẩu đạt 2.531 tấn, tăng 36,58% so với năm 2020. Việt Nam đã đàm phán thành công xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản (năm 2017), HongKong (năm 2019) và 5 nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (năm 2020).

Phải tái cơ cấu  lại ngành chăn nuôi

Phân tích số liệu về sản lượng chăn nuôi cũng như sản lượng và tổng giá trị xuất khẩu của ngành chăn nuôi, có thể thấy rằng xuất khẩu thịt và các sản phẩm chăn nuôi chưa tương xứng.

Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 5.000 tấn thịt lợn đông lạnh các loại với giá trị khoảng 20 triệu USD, tăng khoảng 19% so với năm 2020, Việt Nam cũng đã đàm phán thống nhất các tiêu chuẩn vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu các sản phẩm thịt tiệt trùng từ Việt Nam sang Hàn Quốc... nhưng câu hỏi lớn cần được đặt ra là, vì sao là một nước chăn nuôi lợn có quy mô lớn chỉ sau Trung Quốc, nhưng xuất khẩu thịt lợn hàng năm chỉ ở mức èo uột với giá chưa đến nửa tỉ USD? Trong khi đó, chiến lược ngành chăn nuôi giai đoạn 2008-2020 đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đem về 1,2 - 1,5 tỉ USD/năm, trong đó xuất khẩu thịt lợn 500 - 800 triệu USD/năm.

Ông Nguyễn Văn Trọng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) - nhấn mạnh, muốn xuất khẩu được sản phẩm thịt thì phải giải quyết được vấn đề dịch bệnh, đồng thời các doanh nghiệp phải xây dựng được 1 thương hiệu đủ lớn và phải chủ động trọn gói các khâu từ con giống, chăn nuôi, chế biến...

Đặc biệt, ông Trọng cho rằng, với quy mô đầu tư lớn, chú trọng vấn đề dịch bệnh, khép kín chuỗi chăn nuôi sinh học, áp dụng công nghệ hiện đại… doanh nghiệp De Heus đang nổi lên như một "hiện tượng” của ngành chăn nuôi có thể là cánh chim đầu đàn để dẫn dắt ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại.

Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, có một số mục tiêu đáng chú ý: Trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu. Sản lượng thịt các loại đến năm 2025 đạt từ 5-5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6-6,5 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, 20-25% thịt và trứng gia cầm. Đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam phải xuất khẩu được khoảng 600 nghìn tấn thịt lợn, tương đương giá trị 2,5-3 tỉ USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn