MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Festival Tôm đầu tiên sẽ được tổ chức tại tỉnh Cà Mau vào cuối năm 2023. Ảnh: Nhật Hồ

Sẽ tổ chức Festival Tôm đầu tiên tại Cà Mau sau 4 năm lỗi hẹn

NHẬT HỒ LDO | 22/06/2023 14:52

Cà Mau - Sự kiện Festival Tôm tỉnh Cà Mau năm 2023 sẽ được tổ chức vào cuối năm 2023 sau 4 năm lỗi hẹn do COVID-19. Sự kiện này cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lồng ghép Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ngày 22.6 cho biết, việc lồng ghép này là nhằm tập trung nguồn lực thực hiện, đảm bảo mang lại kết quả thiết thực và hạn chế việc tổ chức nhiều sự kiện có tính chất tương đồng trong năm.

Festival Tôm Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 2890/VPCP-NN ngày 27.3.2017, Công văn số 7508/VPCP-NN ngày 18.7.2017 và Công văn số 1526/VPCP-NN ngày 12.02.2018.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Cà Mau chủ động làm việc với bộ, ngành, địa phương các nội dung liên quan đến tổ chức Festival Tôm, đảm bảo theo đúng thẩm quyền, hiệu quả, tiết kiệm.

Cà Mau là tỉnh chế biến xuất khẩu thủy sản lớn trong khu vực, năm 2022, ngành xuất khẩu tôm đang mang về cho tỉnh hơn 1 tỉ USD. Ảnh: Nhật Hồ

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhất là do tập trung ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, đến nay, tỉnh Cà Mau mới đủ điều kiện tổ chức Festival Tôm. Dự kiến, sự kiện này được tổ chức vào cuối năm 2023.

Cà Mau được biết đến là địa phương có sản lượng khai thác và nuôi trồng, năng lực và công nghệ chế biến, xuất khẩu tôm đứng đầu cả nước. Trong đó, tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn, với diện tích trên 50.000 ha tại 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển được xem là đặc trưng, lợi thế tạo dựng nên thương hiệu con tôm Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới, đã đạt được nhiều chứng nhận uy tín của quốc tế.

Cùng với đó, có khoảng 300.000 ha nuôi tôm trên đất trồng lúa đạt tiêu chuẩn sạch, sinh thái, mang lại sự tin dùng cho chế biến xuất khẩu, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường, nâng cao thu nhập và đời sống của người nuôi tôm…

Dự kiến, tại Festival Tôm sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động như các diễn đàn, hội thảo, triển lãm, kết nối các sản phẩm của Cà Mau với các tỉnh thành trong khu vực và cả nước; hội thi ẩm thực với các món ăn được chế biến từ tôm…

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan, rà soát tên sự kiện, chủ đề và chủ trương thực hiện Festival Tôm; phối hợp Sở Công Thương xin ý kiến, trao đổi thống nhất với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung, quy mô tổ chức hội chợ thương mại trong thời gian diễn ra sự kiện...

Chế biến tôm khô được người dân tỉnh Cà Mau làm từ rất lâu đời, gần như một nghề truyền thống của tỉnh. Ảnh: Nhật Hồ

Trong khi đó, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết đã hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận nghề làm tôm khô ở Cà Mau là di sản văn hóa quốc gia.

Hiện nay, sản phẩm tôm khô không chỉ được cộng đồng trong vùng ưa chuộng mà còn lan rộng ra nhiều địa phương trong nước và ngoài nước như Campuchia, Thái Lan…

Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất tôm khô từ quy mô hộ đến hợp tác xã, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Riêng huyện Ngọc Hiển chiếm 200 - 300 lao động, với thu nhập ổn định từ 2 - 4 triệu đồng/tháng tùy theo mùa vụ, lúc cao điểm, thu nhập có thể tăng gần gấp đôi.

“Tôm khô Cà Mau mỗi năm cung cấp cho thị trường 50 tấn sản phẩm. Việc xây dựng làng nghề tôm khô vừa để bảo tồn làng nghề truyền thống, vừa giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa Nghề làm tôm khô...” - ông Trần Hiếu Hùng cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn