MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Siêu thị Hà Nội đầy ắp hàng hoá, không còn cảnh đổ xô đi mua hàng dự trữ

Cường Ngô LDO | 08/03/2020 15:13
Sau khi siêu thị cam kết không một ngày nào thiếu hàng, ghi nhận của Báo Lao Động, hiện nhịp mua sắm tại các chợ trở lại bình thường, không còn cảnh đổ xô mua hàng dự trữ.

Không còn cảnh chen lấn mua hàng

Sau khi Hà Nội công bố ca nhiễm COVID-19 đầu tiên và các ca nhiễm tiếp theo do tiếp xúc gần với người bệnh, ngày 7.3, tại nhiều chợ dân sinh, siêu thị ở Hà Nội, không ít người dân đổ xô mua hàng tích trữ. Các mặt hàng được chọn lựa nhiều nhất là đồ khô, mì tôm, dầu ăn, gạo và thịt tươi.  Tuy nhiên, ngay sau đó, các siêu thị tại Hà Nội đều khẳng định sẽ đảm bảo đủ nguồn hàng cung cấp cho người dân.

Thực tế, ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, ngày 8.3, tại những siêu thị, chợ dâu sinh, cửa hàng tiện ích, các kệ hàng đầy ắp hàng hóa, cùng với đó sức mua cũng đã giảm mạnh. 

Lúc 11h trưa 8.3 (thời điểm các bà nội trợ tranh thủ đi mua hàng), nhưng tại siêu thị Big C (đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội), các kệ hàng tươi sống như rau, củ quả, thịt, cá... đã được cung cấp dồi dào trên các kệ hàng. Cứ 20 phút, nhân viên siêu thị này lại bổ sung thêm hàng trên kệ, thay hàng mới và loại bỏ hàng dập nát. Đặc biệt, các loại rau xanh, nấm, một số củ quả liên tục được bổ sung.

Big C không còn cảnh chen lấn đi mua hàng tích trữ. Ảnh: Cường Ngô 

Tại siêu thị Mega Market Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), siêu thị Vinmart Khúc Thừa Dụ (Cầu Giấy), số lượng người mua không còn tăng đột biến như hôm qua. Anh Cường - quản lý ngành hàng ở Mega Market cho biết, siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng lớn để cung ứng cho người dân kể cả trong tình huống xấu nhất. 

Chị Nguyễn Thị Hồng (ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) cho biết, ngày 8.3, cuộc sống bình yên trở lại, các mặt hàng, nhất là thịt lợn, rau xanh khá dồi dào, giá cả ổn định, người mua không đông đúc, không có cảnh chen chúc tranh nhau mua hàng.

"Tôi cứ nghĩ hôm nay siêu thị sẽ rất đông người đến mua hàng, nhưng không, từ sáng sớm đến trưa - không còn cảnh tranh nhau mua hàng nữa. Nhờ sự trấn an kịp thời của Chính phủ nên mọi người mua hàng đều rất yên tâm. Chúng tôi cũng rất yên tâm khi không phải lo hàng khan, đẩy giá lên cao", chị Hồng nói.

Tại các chợ như Dịch Vọng, Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Long Biên., nhịp mua sắm cũng được ghi nhận bình ổn trở lại, giá cả bán tăng nhẹ, nhưng không có tình trạng khan hàng. Theo đó, lượng thịt lợn, thịt gà, thịt bò, gà, vịt, trứng, cá... cũng khá dồi dào, giá các loại thực phẩm tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, tuy nhiên, sức mua giảm rõ rệt. 

Cam kết đủ hàng

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đại diện các siêu thị khuyến cáo, người dân không cần phải lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn và chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung hàng hóa rất dồi dào.

Trao đổi với Lao Động, bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho biết, để chung sức để vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Công ty MM Mega Market Việt Nam (MM) đã phối hợp với nhà cung cấp, nông dân để tăng lượng hàng thiết yếu bán ra từ 20 – 40% so với kế hoạch nhằm đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

"MM đang làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để đặt hàng và tăng số lượng xe giao hàng đến các trung tâm, đặc biệt là các trung tâm ở khu vực miền Bắc, tránh tình trạng thiếu hàng và sốt giá", bà Nga nói.

"Hiện các mặt hàng như gạo, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống... đã được MM tập trung chủ động nguồn hàng hóa, tăng lượng mua vào với tổng giá trị hàng hóa hơn 1,200 tỉ đồng. MM đã tăng lượng hàng lên từ 190% đến 1.500% để đưa vào hệ thống phục vụ khách hàng", bà Nga cho hay.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (đơn vị chủ quản các chuỗi Big C và Go!) nhận định tâm lý lo ngại ban đầu của một số người dân khiến lượng khách hàng tới siêu thị cùng thời điểm tăng đột biến, dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ trên quầy.

Tuy nhiên, hệ thống này đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng cường tần suất giao hàng; đồng thời, huy động nhân viên làm việc tối đa nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho thị trường, đủ phục vụ nhu cầu khách hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn