MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng trong nước 11 tháng năm 2022 đạt trên 5,1 triệu tỉ đồng. Biểu đồ: Bích Hà (nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê)

Tận dụng điểm tựa 100 triệu dân

Bích Hà LDO | 05/12/2022 06:03

Khi Việt Nam cán mốc 100 triệu dân, với thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD/người/năm, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển về mặt kinh tế.

Đồng thời cũng là điểm tựa chắc chắn, an toàn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đơn hàng xuất khẩu có xu hướng giảm như hiện nay.

Bài học từ tiêu thụ nông sản thời gian qua cho thấy, có lúc chúng ta mải "chinh phục" thị trường nước ngoài mà “bỏ quên” thị trường nội địa. Việc này đã gây lãng phí tiềm năng rất lớn, thậm chí nhiều doanh nghiệp Việt còn bị thua ngay trên sân nhà khi chưa tận dụng tốt thị trường nội địa. Đến khi dịch COVID-19 bùng phát, xuất khẩu khó khăn, doanh nghiệp Việt đã tìm đường về với thị trường nội địa.

Thực tế cho thấy trong 11 tháng vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước tăng mạnh, đạt trên 5,1 triệu tỉ đồng. Doanh thu bán lẻ hàng hoá chiếm phần lớn trong con số này, đạt hơn 4 triệu tỉ đồng, tăng 14,8%. Thị trường phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhu cầu mua sắm cũng tăng khi càng gần về cuối năm.

Nhằm thúc đẩy thị trường nội địa phát triển và tận dụng thế mạnh của thị trường 100 triệu dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025.

Đề án đã đưa ra mục tiêu cụ thể là giữ thị phần hàng hóa Việt Nam có thế mạnh với tỉ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại và trên 80% các phương tiện truyền thông phân phối; trên 90% doanh nghiệp biết đến phong trào vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này…

Mục tiêu tổng quát trong giai đoạn năm 2021 đến năm 2025 của Đề án là phát triển thị trường trong nước nhằm mục đích góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung lực đẩy mạnh các hoạt động “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, đồng thời lồng ghép vào chương trình hành động hàng năm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị về phát triển kinh tế - xã hội để tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.

Đánh giá về vai trò của thị trường nội địa trong sự phát triển kinh tế, ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nhiều năm gần đây, tổng tiêu dùng nội địa chiếm khoảng 70 - 75% GDP, là lực cầu rất lớn cho doanh nghiệp khai thác.

Có điều, muốn khai thác thị trường nội địa, bên cạnh việc đa dạng mẫu mã, áp dụng công nghệ tiên tiến, đòi hỏi doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi suy nghĩ thị trường trong nước dễ tính hơn thị trường khách. Nếu làm được điều này sẽ giúp hàng Việt cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu trên sân nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn