MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cấy lúa giống ở vùng Bảy Núi, An Giang. Ảnh: Lục Tùng

Thái Lan khen lúa gạo Việt Nam: Tự hào và thách thức

Lục Tùng (thực hiện) LDO | 07/10/2023 06:12

Trước việc Cục Khuyến nông của Thái Lan dành nhiều lời khen cho lúa gạo Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp - đã có những phân tích về cơ hội và thách thức của gạo Việt.

Theo công bố mới đây của Cục Khuyến nông Thái Lan, ngành lúa gạo Việt Nam có 10 điểm vượt trội so với quốc gia này. Theo ông, đâu là điểm đáng lưu ý nhất, vì sao?

ThS Nguyễn Phước Tuyên cho rằng: “Chúng ta cần tỉnh táo nhận diện đầy đủ những thách thức của ngành lúa gạo để có giải pháp thích ứng“. Ảnh: Lục Tùng

- Việt Nam vượt trội hơn Thái Lan về hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu nội đồng và giống lúa… Tuy nhiên, cần thấy rằng, chính chính sách bảo hiểm giá lúa từ thời Thủ tướng Thaksin đã làm cho nông dân Thái Lan có phần ỷ lại, không chú ý đến các giải pháp giảm giá thành như Việt Nam…

Nông dân trồng lúa Thái Lan sở hữu diện tích canh tác bình quân trên 2ha, có xe tải chở lúa giao cho nhà máy. Họ loại bỏ hẳn thương lái trong chuỗi giá trị…

Trong khi đó các số liệu thống kê pháp lý cho thấy, đã có gần 2 triệu người ở nông thôn vùng ĐBSCL ly hương lên các khu công nghiệp tìm việc làm. Vì thế bên cạnh niềm tự hào, chúng ta phải hết sức cẩn trọng trước lời khen này, nếu không, nó sẽ trở thành “chiếc bẫy”.

Thưa ông, vậy ngành lúa gạo Việt Nam đang ở đâu trên thị trường thế giới?

- Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, ngành lúa gạo Việt Nam đã có sự vươn lên rất ngoạn mục. Dù diện tích có khiêm tốn so với nhiều quốc gia trồng lúa trên thế giới (chủ yếu 3,6 triệu hécta vùng ĐBSCL), nhưng sản xuất đủ nuôi 100 triệu dân trong nước, còn xuất khẩu 6 - 6,5 triệu tấn gạo mỗi năm.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) năm 2022, Ấn Độ đạt 204 triệu tấn lúa, tương đương 136 triệu tấn gạo trên diện tích 47,7 triệu hécta, xuất khẩu 22,5 triệu tấn gạo. Vì thế Ấn Độ vừa nuôi trên 1,6 tỉ dân vừa xuất khẩu lượng gạo gấp đôi Việt Nam và Thái Lan cộng lại.

Thái Lan có 9 triệu hécta đất lúa, nhưng đất làm 2 vụ chỉ có 1,8 triệu hécta. Thái Lan trồng lúa mùa, thời gian trên 160 ngày, trong khi ta trồng lúa ngắn ngày nên rất khó để cạnh tranh về chất lượng.

Trong khi đó, như đã nói, Việt Nam “đất hẹp, người đông”. Vì thế chúng ta không thể duy trì tình trạng chạy đua bình thường với các đối thủ, mà phải tìm cho mình hướng đi riêng. Nhưng có lẽ nên bắt đầu từ việc sản xuất sạch, bán sản phẩm có truy xuất nguồn gốc...

Thu hoạch lúa ở Đồng Tháp. Ảnh: Lục Tùng

Mới đây, đoàn nông nghiệp Thái Lan đã sang Việt Nam học tập kinh nghiệm lúa gạo, ông đánh giá gì về điều này?

- Năm 2012 Việt Nam sang khảo sát hệ thống xay xát chế biến lúa gạo của Thái Lan. Lúc đó các thiết bị nhà máy của Thái Lan được sản xuất vào thập niên 1990. Sau khi về nước, các doanh nghiệp đã nhanh chóng cải tiến và qua mặt Thái.

Nhưng chỉ 4 năm sau (2016) Thái Lan tổ chức đoàn qua tham quan 2 đơn vị lúa gạo lớn của ĐBSCL là Lộc Trời và Cỏ May. Hai nhà máy này dù hiện đại nhưng thiết bị chưa đồng bộ, phần lớn được lắp ráp trong nước. Sau đó Thái Lan về họ lắp đặt toàn bộ thiết bị hiệu Kubota hoặc Satake nên vượt qua Việt Nam….

Có ý kiến cho rằng, Thái Lan có nhiều bất lợi so với Việt Nam về nguồn nước tưới, giống lúa ngắn ngày để có thể cạnh tranh trong cuộc chạy đua về sản lượng?

- Chính sách bảo hiểm giá lúa ở mức cao so với mặt bằng thế giới của Thái Lan từ thời ông Thaksin đã có tác động tiêu cực đến sản xuất lúa, triệt tiêu khả năng cạnh tranh của gạo Thái trên thị trường thế giới. Nhưng, đây là điều mà họ có thể điều chỉnh được.

Đó là chưa kể đến việc Thái Lan và Myanmar có lợi thế đất lúa so với Việt Nam. Chỉ cần chuyển từ 1 vụ sang 2 vụ là họ qua mặt Việt Nam rồi, không cần đến khai thác đất dự trữ.

Trong khi đó, lợi thế về các giống lúa cao sản ngắn ngày của ta đang có dấu hiệu chững lại do vấn đề đầu tư. Hiện các viện chuyên ngành khá chật vật về kinh phí nghiên cứu…

Theo ông, lúa gạo Việt Nam có những thách thức gì?

- Việt Nam gần như đã khai thác hết tiềm năng đất canh tác. Trong khi đó vấn đề hạn mặn, nước biển dâng, cũng như nguy cơ đất bạc màu… đã, đang và sẽ gây khó khăn cho việc duy trì mức độ xuất khẩu trong thời gian tới.

Mặt khác, thời gian gần đây, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 2 triệu tấn gạo chất lượng thấp để duy trì xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo. Vì thế chúng ta cần tỉnh táo nhận diện đầy đủ những thách thức của ngành lúa gạo để có giải pháp thích ứng.

- Xin cám ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn