MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
DN được phép khuyến mại, giảm giá 100% giá trị hàng hóa. Ảnh: PV

Tháo “vòng kim cô”, doanh nghiệp được sale “sập sàn” đến 100%

Linh Chi LDO | 29/05/2018 08:03
Suốt 10 năm qua, doanh nghiệp chỉ được phép khuyến mại không quá 50%. Một số chuyên gia cho rằng, quy định cũ về mức trần giảm giá đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Việc áp trần khuyến mại đã khiến nhiều doanh nghiệp dù có nhu cầu giảm giá, xả hàng tồn kho, quay vòng vốn để tăng hiệu quả kinh doanh nhưng lại sợ vi phạm trần khuyến mại. Nghị định 81 sắp có hiệu lực sẽ cho phép các chương trình khuyến mại lên tới 100%.

Áp trần 50%, DN gặp khó

Kể từ ngày 15.7.2018, Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại quy định trong trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại, giảm giá) thì được khuyến mại, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ. Hạn mức khuyến mại, giảm giá 100% cũng được áp dụng với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do thủ tướng quyết định.

Ngoài trường hợp nêu trên, hạn mức khuyến mại, giảm giá không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trước thời gian khuyến mại. Nghị định này không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá cho: Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của nhà nước; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Trước đó, trong năm 2017, Sở Công Thương TP.Hà Nội đã tổ chức các sự kiện về “Tháng Khuyến mại Hà Nội 2017” trong suốt tháng 11 với mong muốn góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP. Sự kiện “Ngày Vàng khuyến mại” và “Tuần Vàng online” là sự kiện truyền thống của “Tháng Khuyến mại Hà Nội 2017”. Các doanh nghiệp bên cạnh việc thực hiện giảm giá hàng hóa, dịch vụ từ 20% - 50%. Tại TPHCM, chương trình “Tháng khuyến mãi” kéo dài trong suốt tháng 9 và gần đây được nối dài đến tháng 12. Mặc dù kì vọng các hoạt động khuyến mại rầm rộ sẽ giúp kích thích tiêu dùng nhưng thực tế, từ trước đến nay, do bị khống chế mức trần 50% nên các khuyến mãi trong tháng này không mấy hấp dẫn so với chương trình của doanh nghiệp khiến sức mua không tăng như mong đợi.

DN tự quyết định giá sản phẩm

Trao đổi với báo chí, 1 chuyên gia đánh giá, đây là 1 bước tiến bộ lớn. “Ở các quốc gia, họ cho phép giảm giá đến 90%. Vì vậy, Việt Nam nên điều chỉnh để các doanh nghiệp tự do khuyến mại. Bởi lẽ, giới hạn này vô hình chung kìm hãm doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ. Ví dụ, doanh nghiệp muốn giải phóng hàng nhưng vì vướng quy định nên không thể giảm giá sâu, nếu muốn thì lại vi phạm quy định pháp luật. Thêm vào đó, quy mô khuyến mại không chỉ cho khách Việt Nam mà còn là khuyến mại cho khách du lịch quốc tế, như vậy, phát triển khuyến mại sẽ thu hút khách hàng. Một điều quan trọng là nhà nước nên tính toán làm thế nào để doanh nghiệp có điều kiện giảm giá, xả hàng, quay vòng vốn để tăng hiệu quả kinh doanh…”

Cùng quan điểm trên, các chuyên gia cho rằng, thực tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin hay thời trang… các sản phẩm, mẫu mã liên tục thay đổi. Thế nên, các doanh nghiệp muốn bán hàng tồn kho, thu hồi vốn thì lại vi phạm trần khuyến mại.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, việc làm này đã cởi trói được một phần cho doanh nghiệp, dẫn đến hàng hóa vận động hơn, hiệu quả hơn, thông thoáng hơn bởi các doanh nghiệp có nhu cầu về thay đổi mẫu mã, thu hồi vốn sẽ đạt được. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra yêu cầu các cơ quan quản lý cần có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ hơn để loại bỏ các hoạt động khuyến mại giả, khuyến mại ảo. Thực tiễn kinh nghiệm theo dõi hoạt động khuyến mại nhiều năm cho thấy, khâu tổng kết, đánh giá của chúng ta kém hiệu quả, lu mờ”

Các chuyên gia đánh giá quy định mới được cho là thay đổi lớn so với quy định hiện hành và dự thảo. Dự thảo trước đây đề xuất mức giảm giá tối đa 70% trong các trường hợp khuyến mại theo các chương trình tập trung do nhà nước tổ chức, hoặc do chính phủ, UBND cấp tỉnh quy định.

Từ nay, doanh nghiệp tự quyết định giá sản phẩm của mình, cơ quan quản lý chỉ cần kiểm tra chặt về chất lượng sản phẩm thay vì khống chế mức trần khuyến mãi. Thực tế cho thấy, các hình thức khuyến mại có tác dụng tích cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, khi 1 doanh nghiệp mới kinh doanh, khách hàng chưa nhiều thì cần phải khuyến mại để khách hàng biết đến thay vì quảng cáo tốn nhiều chi phí hơn. Việc cấm giảm giá quá 50% gây cản trở cho doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Mặt khác, mức trần khuyến mại còn cản trở khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp, hạn chế tính linh động trong việc chấm dứt kinh doanh và chuyển sang lĩnh vực khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn