MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sang năm 2023, tác động tích cực của việc giá dầu tăng cao lên các doanh nghiệp thượng nguồn thường có độ trễ so với các cổ phiếu khác. Ảnh: SSI

Thêm động lực cho nhóm cổ phiếu dầu khí thượng nguồn

Đức Mạnh LDO | 17/02/2023 11:03

Nhu cầu khoan tăng lên và Luật Dầu khí sửa đổi được dự báo sẽ giúp cổ phiếu dầu khí thượng nguồn hưởng lợi lớn.

Tăng giá tốt trên nền kinh doanh cải thiện

Theo thống kê, giá cổ phiếu ngành dầu khí giảm 16% trong năm 2022 nhưng vẫn vượt trội 18% so với kết quả của VN-Index. Kết quả của ngành được thúc đẩy bởi GAS, mã duy nhất tăng giá 8,4%. Hầu hết các cổ phiếu còn lại đều ghi nhận mức giảm giá đáng kể 20 - 40%.

Xét về P/E, có sự khác biệt trong định giá các cổ phiếu dầu khí vào năm 2022. Các cổ phiếu đạt lợi nhuận cao nhất năm qua với dự báo lợi nhuận điều chỉnh mạnh trong năm nay như BSR đang giao dịch thấp hơn mức trung bình lịch sử. Mặt khác, các cổ phiếu chạm đáy lợi nhuận trong năm 2022 (PLX, PVD và PVS) đang giao dịch ở mức cao hơn 20 - 40% so với giá trị lịch sử. Định giá hiện tại vẫn cao hơn nhiều so với mức thấp lịch sử vào tháng 3.2020 hoặc thậm chí là năm 2012.

Bước sang 2023, diễn biến cùng pha với thị trường, những cổ phiếu dầu khí thượng nguồn như PVD, PVC, PVS cũng đang trong nhịp tăng tích cực với mức tăng bình quân quanh 15%.

Động thái trên đang phản ánh trực tiếp kết quả kinh doanh cải thiện của nhóm doanh nghiệp này. Cụ thể, sau 3 quý thua lỗ liên tiếp, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí (mã chứng khoán PVD) đã ghi nhận lợi nhuận ròng quý IV vừa qua tăng nhẹ 7,3% so với cùng kỳ lên 53,9 tỉ đồng. Tính chung năm 2022, PVD ghi nhận doanh thu tăng 36% so với cùng kỳ lên 5.432 tỉ đồng và lỗ ròng 98,6 tỉ đồng.

Hay trong quý IV/2022, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán PVS) cũng ghi nhận doanh thu thuần tăng 16% so với cùng kỳ lên 5.331 tỉ đồng. Biên lãi gộp đạt 6,1% cải thiện so với mức 5,3% của cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế trong quý vừa qua đạt hơn 325 tỉ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ và cao nhất kể từ quý II/2019.

Thượng nguồn sắp đón sóng

Chuyên gia từ Chứng khoán SSI đánh giá ngành khoan dầu có thể được hưởng lợi từ nhu cầu khoan tăng lên ở khu vực APAC và Trung Đông, giúp triển vọng tốt hơn cho giá thuê ngày. Nhu cầu chính đến từ các thị trường quốc tế như Indonesia, Malaysia và Trung Đông. Tại Đông Nam Á, tổng tỉ lệ sử dụng giàn khoan JU trên thị trường đạt 90% vào tháng 8.2022. Giá thuê theo ngày ổn định ở mức khoảng 90.000USD/ngày trong 3 tháng qua, một số hợp đồng còn ghi nhận mức giá thuê 100.000USD/ngày, theo IHS Markit. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015 giá thuê ngày ghi nhận mức cao như vậy.

"Một trong những lý do chính cho diễn biến tích cực như vậy trong ngành khoan xuất phát từ sự thay đổi gần đây trong triển vọng năng lượng toàn cầu. Trong những năm trước, giá dầu thấp và xu hướng trung hòa carbon dẫn đến việc nhiều khu vực hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây ở Châu Âu do xung đột Nga - Ukraina gây ra đã mang lại triển vọng tích cực hơn cho nhiên liệu hóa thạch.

Trong báo cáo triển vọng dầu gần đây nhất, OPEC dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 10 triệu thùng/ngày lên 107 triệu thùng/ngày vào năm 2027. Phần lớn tăng trưởng đến từ các khu vực ngoài OECD. Do vậy, chúng tôi nhận thấy nhu cầu dồi dào đối với giàn khoan tự nâng ở Trung Đông khi các công ty lớn như Saudi Aramco và ADNOC có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất.

Bên cạnh đó, hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) của Việt Nam trong những năm tới có thể được hỗ trợ bởi Luật Dầu khí sửa đổi.

Những thay đổi chính bao gồm: Thứ nhất, chính sách thuế thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong các dự án thăm dò.

Thứ hai, cho phép khai thác các mỏ dầu gần hết tuổi thọ và không còn hiệu quả kinh tế. Điều này cho thấy PVN có thể tiếp tục phát triển và khai thác các mỏ hiện có để khai thác hết lượng dầu còn lại (trước đây đã bị bỏ hoang vì lý do kinh tế) dẫn đến nhu cầu lớn hơn cho các hoạt động xây dựng và phát triển.

Thứ ba, kéo dài thời gian thực hiện dự án và quá trình thăm dò thêm 5 năm.

Thứ tư, tách biệt vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành nhà quản lý dự án và nhà đầu tư, qua đó rút ngắn quy trình phê duyệt dự án. Những yếu tố trên sẽ thu hút thêm đầu tư (đặc biệt là đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực dầu khí Việt Nam, giúp tạo thêm cơ hội cho các công ty thượng nguồn trong dài hạn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn