MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh vắng khách tại các cửa hàng kinh doanh vàng mã, hương nến, hoa quả tại đền Quan Hoàng Mười (Nghệ An). Ảnh: Kh.V

Thị trường Rằm tháng giêng ế ẩm bất thường

Anh Linh - Đặng Tiến LDO | 02/03/2018 10:12
Khác với mọi năm, sức mua của người tiêu dùng dịp Rằm tháng giêng năm nay (2018) rất chậm. Do đó, giá các mặt hàng hầu như không biến động, thậm chí một số mặt hàng như rau xanh, thịt lợn, giò chả... còn giảm giá mạnh.

Các cửa hàng vàng mã vắng đìu hiu

Sáng 1.3 (14 tháng giêng), có mặt tại phố Hàng Mã (Hà Nội) - được coi là thủ phủ bán vàng mã lớn nhất nhì Hà Nội, PV ghi nhận lượng vàng mã phục vụ rằm khá phong phú với đủ các loại áo mũ, cành vàng lá ngọc, giày mũ tế thần linh, tiền vàng kim ngân…, nhưng lượng người mua gần như không có gì đột biến, thậm chí vào thời điểm 9 giờ sáng lượng khách khá thưa thớt. Được biết đến như là một trong những địa điểm bán vàng mã lớn của Hà Nội. Mặc dù hàng hóa phục vụ Rằm tháng giêng, được coi là lễ tâm linh quan trọng của người dân phía Bắc, nhưng giá vẫn không thay đổi so với trước tết: Mỗi lễ vàng mã có giá 15.000 đồng loại đẹp. Loại làm bằng giấy xấu hơn có giá 10.000 đồng. Để phục vụ người dân dâng sao giải hạn, các loại ngựa, hình nhân, quần áo, đèn, nến… cũng được bày bán nhiều hơn, nhưng lượng bán ra khá chậm bởi hầu hết người dân đều làm lễ tại đền, chùa theo dịch vụ đóng tiền trọn gói.

Tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), lượng khách mua vàng mã cũng rất ít. Chị Nguyễn Lan Chi Mai (ngõ 116 Mai Dịch) cho biết: Hầu như năm nào chị cũng đốt rất ít vàng mã vì thực hiện nếp sống mới. “Năm nay thực hiện công văn kêu gọi các Phật tử bỏ tục đốt vàng mã của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi không mua vàng mã nữa. Việc cúng rằm cũng thực hiện đơn giản, thanh tịnh hơn: Cúng xôi trắng, hoa quả. Không cúng gà và cỗ mặn để tránh sát sinh” - chị Chi Mai chia sẻ. Chị Lê Thị Sinh - bán hàng mã tại chợ Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - cũng cho hay: Chưa thời điểm nào việc bán vàng mã lại ế ẩm như đợt này. “Hầu như khách chỉ mua 5-10 lễ tiền vàng, hương, nến… nên mùa vàng mã Rằm tháng giêng này coi như thua lỗ. Đến thời điểm này, lượng hàng nhập về vẫn đầy ắp trong kho” - chị Sinh buồn rầu cho biết. Nhiều chủ cửa hàng bán đồ mã cũng cho biết, vào ngày Rằm tháng giêng, lượng người mua vàng mã có tăng nhưng không đáng kể vì nhiều gia đình đã mua vàng mã từ trước tết. Giá vàng mã cũng không tăng so với ngày thường bởi lượng “cung” cao hơn “cầu”, nhất là từ khi Hội Phật giáo kêu gọi các Phật tử bỏ tục đốt vàng mã gây lãng phí.

Chị Nhung - một tiểu thương bán vàng mã tại chợ Long Biên - cho biết: Dịp Rằm tháng giêng năm nay, việc đốt vàng mã có phần được hạn chế, người dân mua sắm mã chỉ bằng 1/3 những năm trước. Do dịp lễ năm nay không vào ngày nghỉ cho nên các gia đình chỉ cúng cơm và đốt tiền vàng chứ không dâng ngựa, dâng xe.

Giá nhiều mặt hàng không tăng, sức mua chậm

Chỉ vào 3 lồng gà còn đầy ắp, anh Nguyễn Văn Quang (Mê Linh, Hà Nội) cho biết: Anh chở gà từ huyện Mê Linh xuống quận Ba Đình từ 6 giờ sáng để đón khách cúng rằm, nhưng đến gần trưa chỉ bán được 3 con. “Năm nay sức mua của khách rất chậm, mặc dù giá gà sống cúng rằm chỉ 150.000 đồng/kg bằng giá thời điểm Tết Nguyên đán” - anh Quang bày tỏ. Đối với mặt hàng chế biến sẵn như xôi, chè các loại, gà buộc cánh tiên, thủ lợn, các loại bánh nếp, bánh giày, bánh gio, bánh ong… đều có giá như ngày thường. Bà Nguyễn Thị Hòa - tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Hà Nội) - cho biết: “Gà làm sẵn buộc cánh tiên có giá 400.000-500.000 đồng/con tùy trọng lượng. Nếu như dịp tết chúng tôi làm hàng trăm con nhưng vẫn không đủ hàng để bán, thì hiện nay chỉ có khoảng 10 người đặt hàng và đều chọn trọng lượng nhỏ”.

Có lẽ hoa quả là mặt hàng bán chạy nhất trên thị trường trong dịp Rằm tháng giêng, nhưng giá cũng không mấy biến động: Thanh Long: 60.000-65.000 đồng/kg; xoài xanh Thái Lan: 45.000 đồng/kg, loại to: 50.000-55.000 đồng/kg; dưa hấu: 18.000-20.000 đồng/kg; lê Hàn Quốc: 90.000-110.000 đồng/kg tùy cỡ. Tại chợ Vinh (Nghệ An), các loại hoa quả có tăng giá hơn ngày thường khoảng 15-20%, nhưng cũng chỉ tương tự các ngày rằm hằng tháng. Thế nhưng, lượng khách vẫn không tăng nhiều so với các ngày sóc, vọng thông thường. Chị Đường Thùy Dung - tiểu thương bán hàng tại chợ Cửa Đông (Hưng Dũng) - cho biết: Lượng khách đã vắng, lại chỉ mua một lượng hàng rất khiêm tốn, vài quả xoài, 5-7 bông hoa, vài lễ tiền vàng… nên mùa kinh doanh Rằm tháng giêng này “không ăn thua” vì các đền, chùa đều có loa kêu gọi người dân không đốt hương trong các gian thờ và hạn chế đốt vàng mã.

Tham khảo của PV cho thấy, giá các loại dịch vụ “ăn theo” Rằm tháng giêng như: Cỗ bàn, hoa tươi; chim, cá, cua, ốc... để cúng phóng sinh, dịch vụ cúng thuê… đều có giá không khác ngày thường nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người dân đốt gần 50.000 tấn vàng mã và số tiền để đốt vàng mã mỗi năm tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng. Tính trung bình vào mỗi dịp lễ, tết, mỗi gia đình Việt phải bỏ ra từ 30.000-50.000 đồng mua tiền vàng, thậm chí có gia đình tiêu tốn đến hàng chục triệu đồng để mua vàng mã. Trước sự lãng phí này, vừa qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Công văn số 031/CV-HĐTS do Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - ký. Trong đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam...

Anh Linh - Đặng Tiến

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn