MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Tuấn Anh - chủ một xưởng chế tác đậu bạc Định Công. Ảnh: Minh Thư

Thợ làng nghề kim hoàn Định Công trước xu hướng của thị trường

Minh Thư LDO | 16/03/2024 12:46

Làng kim hoàn Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nổi tiếng có tuổi đời 1.000 năm. Trước xu thế phát triển và hội nhập, đòi hỏi người thợ kim hoàn phải không ngừng tiếp thu xu hướng mới, thậm chí phải học cách “bắt trend”, thích nghi với thị hiếu thời nay.

Chia sẻ về việc gìn giữ và phát triển làng nghề kim hoàn trong xu thế hiện đại, anh Tuấn Anh - chủ xưởng chế tác đậu bạc Định Công - cho biết: “Trong quá trình làm việc, xưởng đậu bạc Định Công luôn luôn tìm hiểu xu hướng của thị trường để thiết kế ra các sản phẩm mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của các đối tượng khách hàng mà xưởng đang nhắm đến”.

Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, do lượng nhân công lành nghề vẫn còn ít, cộng thêm các sản phẩm yêu cầu độ tỉ mỉ, chính xác cao, thay vì làm hoàn toàn bằng thủ công tốn nhiều thời gian, xưởng đã sử dụng máy móc hỗ trợ và đã làm đa dạng thêm các mẫu mã mới như sáng tạo thêm tranh treo tường, các mặt dây chuyền, vòng tay hình phong thủy phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Để bảo tồn và phát triển nghề kim hoàn hiện nay, cần phải tạo nên những sản phẩm vừa truyền thống lại vừa hiện đại, phù hợp với thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho các sản phẩm kim hoàn và cải thiện đời sống cho các nghệ nhân để duy trì và phát triển nghề.

Hiểu được những yêu cầu đó, nên xưởng đậu bạc Định Công chủ yếu đang làm về sản phẩm quà tặng, như các cảnh sắc về Hà Nội, về Việt Nam để cho các tổ chức, cơ quan của Việt Nam tặng đối tác nước ngoài. Thông qua đó vừa là giới thiệu về nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, vừa giới thiệu các cảnh sắc của Việt Nam cho thế giới.

Anh Tuấn Anh (25 tuổi) là người nghệ nhân trẻ tuổi nhất ở xưởng hiện tại, anh chia sẻ: “Vì đã thạo nghề nên hầu như các chi tiết tôi đều có thể làm được, nhưng đối với các sản phẩm mẫu mã mới, lúc đầu sẽ gặp khó khăn một chút về thiết kế bản vẽ tay và lên hình, trải qua công đoạn đó thì tôi tự tin sẽ hoàn thành và đạt yêu cầu tốt nhất”.

Với người thợ kim hoàn, mức thu nhập cho người thợ mới khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, thợ thạo nghề dao động khoảng 10-12 triệu đồng/tháng. Còn với mức lương của thợ kim hoàn lành nghề có thể lên tới 20-30 triệu đồng/tháng, hoặc hơn nữa nếu có kinh nghiệm làm việc lâu năm và có tay nghề cao.

Thực tế, nghề chế tác kim hoàn có rất nhiều khâu phức tạp, đòi hỏi người làm nghề phải có lòng đam mê, kiên trì và kinh nghiệm thì mới duy trì được nghề.

Đối với việc truyền dạy và phát triển nghề kim hoàn, anh Tuấn Anh tâm sự: “Hiện nay, để thu hút các bạn trẻ học nghề kim hoàn khá khó, nên xưởng sẽ tạo ra nhiều điều kiện tốt nhất cho các bạn muốn học, như đào tạo học viên miễn phí, các bạn học sẽ cam kết được sử dụng khi quá trình học đạt yêu cầu, được làm việc, trả lương và cố gắng đưa ra những đãi ngộ tốt nhất để mọi người có thể an tâm làm nghề và giữ nghề”.

Về định hướng trong tương lai, ngoài những yêu cầu về sản phẩm, đào tạo nghề và thị trường, anh Tuấn Anh mong muốn được mở rộng xưởng để làm du lịch, bằng cách kết hợp với các tổ chức, trường học, đơn vị lữ hành, du lịch làng nghề… để thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan du lịch.

Anh mong muốn mở được phòng trưng bày truyền thống và trình diễn để du khách tận mắt chứng kiến các công đoạn chế tác ra một sản phẩm kim hoàn thủ công như thế nào.

Theo anh, làm du lịch làng nghề sẽ được quảng bá tốt hơn, du khách sẽ vừa tham quan, vừa trải nghiệm và kết hợp mua sắm. Khi đó làng nghề Định Công nổi tiếng hơn, đồng thời tăng giá trị kinh tế, sẽ có nhiều học viên tìm đến học nghề và gìn giữ nghề, từ đó mà làng nghề Định Công sẽ phát triển hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn