MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn trao đổi với Báo Lao Động. Ảnh: PV

"Thời điểm dịch, xuất được một xe nông sản sang Trung Quốc rất khó khăn"

Trần Tuấn - Hữu Chánh LDO | 13/02/2022 13:27

Do Trung Quốc siết chặt quy trình xuất, nhập khẩu hàng hóa để phòng chống dịch bệnh, vì vậy việc xuất khẩu nông sản sang nước bạn gặp rất nhiều khó khăn, tăng cả về thời gian và các chi phí phát sinh.

Dịch bệnh khiến việc xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn

Đến ngày 12.2, do lượng xe hàng ùn tại các cửa khẩu Lạng Sơn tăng lên tới 1.646 xe, trong đó có 1.390 xe chở hoa quả tươi, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến cửa khẩu đường bộ tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu. Thời gian tạm dừng từ 16.2.2022 cho đến hết ngày 25.2.2022.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, từ mùng 3 Tết Nhâm Dần, phía Trung Quốc đã mở cửa thông quan. Mặc dù số lượng thông quan trung bình một ngày rất thấp nhưng các doanh nghiệp, các tư thương tiếp tục đưa hàng từ nội địa lên cửa khẩu với số lượng lớn, trung bình đạt 160-180 xe/ngày, đa phần là xe hoa quả, dẫn đến hiện tượng ùn ứ với số lượng hơn 1.600 xe hàng.

Còn hơn 1.600 xe hàng hoá ùn tại các cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: Hữu Chánh

“Thời gian tới, vào vụ mùa thu hoạch nông sản, đặc biệt là dưa hấu, đây là mặt hàng xuất khẩu rất nhiều ở các cửa khẩu Lạng Sơn. Nếu không đưa ra cảnh báo sớm, tình trạng ùn lên tới gần 5.000 xe hàng như thời điểm cuối năm 2021 có thể lặp lại, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp”, ông Tường cho biết.

Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn chia sẻ thêm, "thời điểm dịch, để xuất được một xe nông sản sang Trung Quốc rất khó khăn".

Theo đó, từ khi dịch bệnh bùng phát, do phía Trung Quốc theo đuổi chiến lược Zero COVID, siết chặt quy trình xuất, nhập khẩu hàng hóa để phòng chống dịch bệnh nên việc xuất khẩu nông sản sang nước bạn tăng cả về thời gian và các chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, tư thương.

Cụ thể, để đảm bảo chống dịch ở khu vực cửa khẩu, phía Trung Quốc đã đề nghị phải có những khu vực cách ly tập trung để cho đội ngũ lái xe đường dài nghỉ ngơi, rồi sau đó khi lái xe đường dài chở hàng nông sản lên cửa khẩu, bàn giao cho lực lượng lái xe chuyên trách sẽ chở qua biên giới và bàn giao tiếp cho lái xe chuyên trách Trung Quốc. Tiếp đó, lái xe chuyên trách Trung Quốc lại tiếp tục chở hàng đi giao ở các kho bãi rồi mới đưa xe quay trở lại giao cho lái xe chuyên trách Việt Nam đưa về. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề thời gian thông quan. 

Thứ hai, liên quan đến các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện việc bàn giao xe và lái xe trung chuyển. Ở phía Trung Quốc, giá các dịch vụ khử khuẩn, xét nghiệm tăng lên rất nhiều. 

 Tài xế lên khu vực cửa khẩu phải đảm bảo nghiêm quy định chống dịch bởi chỉ cần 1 ca nhiễm ở khu vực cửa khẩu, Trung Quốc sẽ tạm dừng thông quan, ảnh hưởng lên đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Ảnh: Hữu Chánh.

Bên cạnh đó là vấn đề điều kiện bốc xếp bến bãi bên phía Trung Quốc, hiện nay, các lực lượng lao động không nhiều. Trước đây trên 90% người Việt Nam sang bốc xếp hàng hóa. Nhưng hiện nay do dịch bệnh nên người Việt Nam không sang làm việc được. Trong khi đó, khối lượng và thời gian mà đối tượng lao động bốc xếp bên Trung Quốc thực hiện không bằng người Việt Nam.

"Cơ quan hải quan và các lực lượng chức năng ở cửa khẩu luôn đảm bảo ứng trực quân số 100%, 24/24, cả ngày nghỉ, lễ Tết, nếu phía Trung Quốc mở cửa bất cứ lúc nào thì sẽ thực hiện thông quan hàng hóa ngay thời điểm đó", ông Tường nói.

Tạo vùng xanh ở cửa khẩu

Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn cho biết, thời gian tới, Cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các Cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn để tạo được vùng đệm, vùng xanh tại cửa khẩu, tạo sự tin tưởng cho phía bạn về việc kiểm soát trong công tác chống dịch.

"Chúng ta làm tốt rồi thì phía bạn kiểm soát sẽ đơn giản hơn, như vậy thủ tục thông quan cũng sẽ nhanh hơn, số lượng xe hàng được thông quan tăng thêm. Chỉ cần thông quan một xe là được vài chục tấn, 10 xe thì lên đến 200 - 300 tấn nông sản rồi", ông Vy Công Tường nói.

Doanh nghiệp, tư thương cần quan tâm đến chất lượng hàng hóa, về tiêu chuẩn đóng gói bao bì để truy xuất nguồn gốc khi xuất hàng sang Trung Quốc. Ảnh: PV.

Do hiện nay, phía Trung Quốc càng ngày càng siết chặt các điều kiện tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, vì vậy, cơ quan Hải quan tiếp tục khuyến cáo các doanh nghiệp, tư thương cần quan tâm đến chất lượng hàng hóa, về tiêu chuẩn đóng gói bao bì để truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, việc ký kết các hợp đồng với các tư thương Trung Quốc cần trên cơ sở quy định của thông lệ quốc tế (hàng xuất khẩu chính ngạch). Bởi khi có ký kết thì hai bên đều chịu trách nhiệm về vấn đề các lô hàng, thỏa thuận thanh toán. Như vậy, việc thông quan sẽ đảm bảo chắc chắn hơn.

Tình trạng ùn ứ hàng hóa ở các cửa khẩu phía Bắc bắt đầu từ đầu tháng 12.2021 do phía Trung Quốc tăng cường biện pháp phòng chống dịch, chỉ nhập hàng nhỏ giọt khiến hàng nghìn xe container ùn ứ. Đến giữa tháng 1, lo ngại trái cây bị hỏng do phải nằm chờ nhiều ngày, nhiều chủ hàng đã cho xe quay đầu vào nội địa bán rẻ cho người dân. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã có nhiều cuộc họp, chỉ đạo tháo gỡ vấn đề này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn