MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điểm bán hàng Việt, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Huế. Ảnh: PĐ

Thừa Thiên Huế kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp từng khó khăn bởi dịch COVID-19

Đạt Phúc LDO | 06/11/2023 09:48

Tự hào hàng Việt Nam - Tinh hoa hàng Việt Nam - Đối với chương trình hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Đề án phát triển thị trường trong nước, UBND Thừa Thiên Huế đã giao Sở Công Thương xây dựng kế hoạch và triển khai hỗ trợ kinh phí xây dựng Điểm bán hàng Việt, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đồng thời, tổ chức các chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ thương mại, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình phát động Tháng bán hàng khuyến mãi tập trung hàng năm...Đây cũng là nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi sản xuất, kinh doanh từng gián đoạn bởi dịch COVID-19 trong những năm qua.

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến hết tháng 10.2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.671 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.415,7 tỉ đồng, chiếm 73%, tăng 13,7%.

Có được kết quả này là nhờ tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển thị trường tiêu thụ để kích cầu tiêu dùng nội địa, là một trong những địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt.

Trong những năm qua, nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa và phục hồi sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngoài những chính sách kích cầu tiêu dùng hàng Việt của Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh duy trì, ổn định và tiếp tục phát triển sản xuất. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP…

Trong năm 2023, Thừa Thiên Huế đã tổ chức các hoạt động như: Hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu của 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, Hội chợ thương mại tại Hà Nội, đã hỗ trợ 6 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trực tiếp tham gia. Các mặt hàng chủ yếu gồm hạt sen, trà sen, các thành phẩm sen Huế, bánh ép, bánh in Huế, mứt thanh trà, mứt gừng sấy lạnh, các loại kẹo, mè xửng, sản phẩm từ sâm bố chính, tinh dầu các loại, nhạc cụ mỹ nghệ, chè Truồi...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được các kết quả tích cực, thực hiện tốt vai trò định hướng của Nhà nước trong việc tập hợp, dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các nội dung xúc tiến thương mại. Đã có rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động xúc tiến thương mại mang lại. Qua đó, góp phần tăng cường nhận thức về thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu và chủ động hội nhập quốc tế.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu. Thừa Thiên Huế đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ giá cả hàng hóa trên địa bàn, tập trung cho các chương trình kích cầu tiêu dùng. Khai thác tốt thị trường trong nước giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn