MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành thủy sản Cà Mau mỗi năm đem về 1,2 tỉ USD đang bị tác động bởi dịch Corona (ảnh Nhật Hồ)

Thủy sản Cà Mau tìm cách kéo giảm thiệt hại do tác động của dịch Corona

NHẬT HỒ LDO | 09/02/2020 15:51
Sau nông sản, thủy sản cũng bắt đầu chịu tác động vì dịch cúm qua đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Các tỉnh nuôi trồng, chế biến thủy sản lớn khu vực phía Nam bắt đầu tìm giải pháp ứng phó hiệu ứng này.

Thiệt hại… vô hình

Cà Mau là một trong những tỉnh, thành phố có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất cả nước, khoảng 302.000ha, sản lượng tôm nuôi hàng năm đạt trên 300.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt gần 1,2 tỉ USD. Nghề nuôi trồng và chế biến thuỷ sản còn là nguồn sinh kế cho trên 305.000 hộ dân và tạo nhiều việc làm ổn định trong các nhà máy chế biến thuỷ sản và các ngành thương mại, dịch vụ liên quan.

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều nhận định: Với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, trong những ngày gần đây và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hoá để tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng, thương mại nông - lâm - thuỷ sản sẽ chịu những tác động tiêu cực.

Dịch bệnh Corona ảnh đã ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản Cà Mau (ảnh Nhật Hồ)

Tổng thư ký Hội Chế biến thuỷ sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau Trần Hoàng Em cho biết: Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu trong toàn tỉnh đạt trên 1,15 tỉ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 6 - 7%, tương đương hơn 102 triệu USD. Riêng tháng 1.2020, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này 6,99 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng khiến cho việc xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc. Trước tác động từ dịch Corona, các doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó trong việc thông quan sản phẩm đến thị trường này.

Ông Trần Hoàng Em nhận định: Do đầu năm các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động nên số hợp đồng phát sinh chưa nhiều, phần lớn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp có thị trường lớn, truyền thống tại Trung Quốc, còn các thị trường khác tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Corona kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường Trung Quốc và lan sang các thị trường lân cận, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu.

Nguy cơ bị huỷ các đơn hàng do các nước thực hiện các biện pháp đi lại và đóng cửa kinh doanh sẽ gây khó khăn về tài chính, hàng hoá tồn kho đối với doanh nghiệp trong nước. Theo đó, đã tác động đến việc thu mua tôm nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản và sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ nuôi tôm, nhất là về giá thành.

"Theo ghi nhận, vào ngày 5.2, phía đối tác Trung Quốc ra thông báo tạm dừng 2 hợp đồng nhập khẩu thuỷ sản của Công ty Cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thuỷ sản Thanh Đoàn sang thị trường này", ông Trần Hoàng Em cho biết.

Tìm cách kéo giảm thiệt hại

Theo ngành nông nghiệp, dịch bệnh Corona không chỉ tác động xấu đến thị trường xuất khẩu thuỷ sản mà còn nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Hiện nay giá cua biển trên thị trường Cà Mau đã sụt giảm hơn 100 ngàn đồng/kg so với trước khi phát sinh dịch bệnh, giá tôm nguyên liệu cũng sụt giảm nhẹ, kéo theo các mặt hàng nông sản khác cùng giảm giá.

Với tình hình dịch bệnh chưa được khống chế như hiện nay, các doanh nghiệp và người dân sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Ông Trần Hoàng Em đề xuất, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngân hàng thương mại cùng phối hợp với các doanh nghiệp nắm lại tình hình cụ thể để có phương hướng, giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm mức lãi suất thanh toán cho một số doanh nghiệp thuỷ sản có lô hàng tạm dừng xuất khẩu do ảnh hưởng dịch bệnh. Ngành điện cần có giải pháp gia hạn thời gian thu tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu.

Ảnh hưởng dịch bệnh xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ vô cùng khó khăn (ảnh Nhật Hồ)

Trước tình hình này, Sở NNPTNT Cà Mau đề nghị định kỳ thứ 2 hằng tuần, Phòng NNPTNT các huyện và Phòng Kinh tế TP Cà Mau báo cáo thêm nội dung giá một số sản phẩm ngư, nông, lâm nghiệp về các Chi cục chuyên ngành thuộc Sở NNPTNT để tổng hợp theo lĩnh vực.

Đối với sản xuất tôm, nếu tôm đã đến ngày thu hoạch, khuyến cáo người dân nắm bắt tình hình giá cả thị trường. Nếu trọng lượng tôm chưa đạt, khuyến cáo chờ thêm thời gian để bình ổn thị trường. Nếu người dân chuẩn bị thả giống, khuyến cáo thả thưa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn