MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiểu thương TPHCM bán hàng Tết Đoan Ngọ: Giảm lời để giữ giá, giữ khách

NGỌC LÊ LDO | 03/06/2022 11:04

TPHCM - Ngày 3.6 (tức 5.5 Âm lịch), các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM từ sớm đã tấp nập người dân đi mua sắm chuẩn bị đồ cúng cho ngày Tết Đoan Ngọ

Giá một số mặt hàng tăng nhẹ

Theo ghi nhận ngày 3.6, tại các chợ truyền thống như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Võ Thành Trang (quận Tân Bình), chợ Nguyễn Văn Trỗi (Quận 3),... các mặt hàng phục vụ dịp Tết Đoan Ngọ khá đa dạng.

Bánh ú lá tre, cơm rượu, lá xông, trái cây,... là những mặt hàng hút khách trong dịp này, giá cả các mặt hàng năm nay có sự nhích nhẹ so với mọi năm, sức mua cũng rất lớn.

 Bánh ú tro năm nay có mức giá nhích nhẹ khoảng 5.000 đồng/chục so với mọi năm. Ảnh: Ngọc Lê

“Chợ đông từ sớm, các quầy bán đồ cúng như trái cây, bánh ú,... đều đông khách, tôi phải chờ một lúc lâu mới mua được hàng. Năm ngoái dịch nên các mặt hàng đều ít đi, đi chợ cũng khó mua. Năm nay các mặt hàng đều khá phong phú, nhiều quầy bán nên tôi cũng có nhiều sự lựa chọn" - chị Trần Diễm Trinh (sống tại Quận 3) chia sẻ.

Bánh ú lá tre có giá từ 50.000-70.000đồng/chục (tuỳ loại). Cơm rượu 30.000 đồng/hộp, nếp than, nếp tẻ 15.000-20.000 đồng/hộp. Hoa cúc có giá 20.000 đồng/bó, lá xông có giá từ 10.000-20.000 đồng/bó,...

 Một số mặt hàng phục vụ dịp Tết Đoan Ngọ giá tăng nhẹ. Ảnh: Ngọc Lê

Tiểu thương cố gắng giữ giá

Chị Nguyễn Thị Lan - tiểu thương tại chợ Võ Thành Trang (quận Tân Bình) chia sẻ: "Năm nay giá các mặt hàng tăng là do chi phí vận chuyển bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng. Các mặt hàng cũng chỉ nhích nhẹ từ 2.000-5.000 đồng nên chúng tôi cũng chịu khó lời ít hơn để giữ khách và mọi người có thể mua sắm cho Tết Đoan Ngọ".

Tương tự, chị Đặng Thuý Diễm - tiểu thương tại chợ Nguyễn Văn Trỗi (Quận 3) cũng cho biết: "Mọi người vừa trải qua dịch bệnh, kinh tế bị ảnh hưởng, được buôn bán bình thường là vui rồi nên mình phải đồng hành cùng mọi người bằng cách giữ giá ở mức phù hợp nhất. Nếu mình bán đắt khách sẽ không mua, hàng cũng không bán được".

 Tiểu thương tại các chợ truyền thống TPHCM niêm yết giá để giữ khách. Ảnh: Ngọc Lê 

Tại các chợ truyền thống, hiện giá nhiều loại thực phẩm đều tăng từ 30-50% so với đầu năm do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng. Bên cạnh đó, giá thực phẩm tăng cũng do thời tiết thời gian qua mưa nhiều, nguồn cung giảm trong khi nhu cầu thị trường tăng.

Tình hình buôn bán của tiểu thương cũng chậm, mãi lực giảm nên các tiểu thương cũng cố gắng làm nhiều cách giữ khách như giảm lời, bán huề vốn, bán qua các mạng xã hội, ứng dụng,...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn