MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tính giá điện luỹ tiến 6 bậc thang: Nguyên nhân hoá đơn điện tăng vọt

Thuỳ Dung LDO | 18/06/2020 17:36
Ngoài thời tiết nắng nóng, khiến nhu cầu sử dụng điện tăng thì việc tính giá điện luỹ tiến 6 bậc thang hiện nay cũng được xem là nguyên nhân khiến hoá đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng "phi mã". 

Những ngày qua, nhiều người dân liên tục phản ánh về tính trạng hoá đơn tiền điện kỳ tháng 5 tăng "phi mã", gấp 3, thậm chí là 5 lần so với ngày thường. Trên các diễn đàn, mọi người cùng đồng loạt chia sẻ hình ảnh điện lực thông báo thu tiền điện cùng những bình luận thắc mắc về giá điện. 

Chị Vũ Ngân ở Hoàng Mai cho biết, tiền điện kỳ tháng 5 của gia đình tăng gấp đôi so với tháng trước. Điều chị thắc mắc nhất đó là, tháng trước, dù ở nhà cả ngày để chống dịch COVID-19 thì tiền điện cũng chỉ là 918.000 đồng. Sang tháng 5, cả gia đình đi làm, đi học, vậy mà tiền điện lại tăng đôi. 

"Tôi thật sự rất thắc mắc. Nếu ở nhà cả ngày mà dùng hết từng ấy điện thì có lý, đằng này, vợ chồng, con đi làm, đi học đến tối mới về; điều hoà chỉ dùng về đêm thì sao hoá đơn điện lại có thể tăng đến mức như vậy?", chị Ngân cho biết. 

Cùng chung thắc mắc, anh L.Phong (Tây Hồ) cho biết, hoá đơn tiền điện của gia đình tăng lên gần 4 lần so với tháng trước. Cụ thể, tháng trước, hoá đơn tiền điện của gia đình là 1 triệu đồng thì tháng này lên trên 4,5 triệu đồng. 

Nhiều người dân khẳng định, họ không thắc mắc về giá điện mà là cách ghi tiền điện của điện lực. Dù phía điện lực đã lên tiếng giải thích với khách hàng, hoá đơn tiền điện tăng là do thời tiết nắng nóng nhưng khách hàng cho biết, họ vẫn cảm thấy không minh bạch trong việc ghi số điện. 

"Nói giá điện tăng là do nắng nóng thì thật là vô lý. Vì ban ngày, mọi người đi làm hết, chỉ có ở nhà vào buổi tối. Mức sử dụng điện gần như là như nhau giữa các tháng mà chỉ số lại tăng vọt như vậy? Có lẽ nào cứ vin vào mùa nóng là chỉ số điện lại tăng bất thường như vậy? Thật không hiểu nổi", anh Lương Sơn nói. 

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thực tế, giá điện trong năm qua không hề được điều chỉnh tăng. Việc hoá đơn tiền điện tăng cao trong những tháng gần đây là do số điện tăng, khi nhu cầu sử dụng cao trong tháng cao điểm về nắng nóng. 

Chuyên gia cho rằng, việc tính giá điện luỹ tiến 6 bậc thang là một trong những nguyên nhân khiến hoá đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng vọt. Theo đó, hiện nay, giá điện sinh hoạt đang được tính theo 6 bậc thang như sau: Bậc 1 cho kWh từ 0 - 50, tính 1.678 đồng/kWh; Bậc 2 cho kWh từ 51 - 100, được tính 1.734 đồng/kWh; Bậc 3 cho kWh từ 101 - 200, được tính 2.014 đồng/kWh; Bậc 4 cho kWh từ 201 - 300, được tính 2.536 đồng/kWh; Bậc 5 cho kWh từ 301 - 400 được tính 2.834 đồng/kWh; Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên được tính 2.927 đồng/kWh.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, điện là hàng hoá đặc biệt. Khác với hàng hoá thông thường, càng mua nhiều càng rẻ, điện càng dùng nhiều thì chi phí phải trả sẽ tăng luỹ tiến, bởi lẽ nhu cầu sử dụng điện cao, trong khi nguồn năng lượng lại hữu hạn.

Trong thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng, số tiện tăng, dẫn đến việc giá điện cao. Trong đó, thiết bị hiện đang tiêu thụ nhiều điện năng nhất trong hộ gia đình là điều hoà nhiệt độ. Theo tính toán, với điều hoà công suất 800-850 W, 1 ngày có thể tiêu thụ 20,4 kWh, như vậy 1 tháng, số tiền hộ gia đình phải trả lên tới hơn 1,5 triệu đồng. Thậm chí, nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng giảm 1 độ, tiêu thụ điện năng của điều hòa cũng tăng lên 1,5-3%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn