MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tổng cục trưởng Quản lý thị trường: "Không vì sức ép mà chúng tôi nản lòng"

Cường Ngô - Dung Anh LDO | 26/01/2020 10:00

Nhân dịp đầu xuân Canh tý 2020, phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về công tác triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất hàng giả, hàng nhập lậu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sau hơn một năm, kể từ khi lực lượng QLTT được tái cơ cấu.

Nhân dịp đầu xuân Canh tý 2020, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương về công tác triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất hàng giả, hàng nhập lậu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sau hơn một năm, kể từ khi lực lượng QLTT được tái cơ cấu.

Video chia sẻ của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - Trần Hữu Linh

 

"Vẫn có sự thỏa hiệp với hàng giả"

Năm 2019, Tổng cục đã triệt phá được nhiều ổ nhóm, đường dây vi phạm. Tuy nhiên, một số báo cáo gần đây cho thấy, số vụ kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính giảm so với năm trước?

- Số vụ kiểm tra chắc chắn không giảm, vì năm nay có đến 140.000 - 150.000 vụ kiểm tra, thậm chí tôi còn đề nghị phải tăng cường kiểm tra nhiều hơn. Mỗi năm, Tổng cục có 3 hình thức kiểm tra, bao gồm kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.

Kế hoạch thanh tra được lên danh sách từ đầu năm, riêng danh sách kiểm tra định kỳ tôi để các Cục QLTT địa phương tự đưa danh sách, còn kiểm tra đột xuất thì liên tục thực hiện ngay khi phát hiện ra dấu hiệu vi phạm. 

Tuy nhiên, không phải cứ kiểm tra là xử phạt, họ phải sai thì mới ra quyết định xử phạt được. Do đó, nếu nhìn theo một khía cạnh tích cực, số vụ xử lý vi phạm giảm cũng là một tín hiệu tốt cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường có hiệu quả. 

Mặc dù, lực lượng QLTT đã triển khai nhiều hoạt động đấu tranh, phòng chống vi phạm, nhưng nhiều địa bàn vẫn tái diễn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?

- Chúng ta phải thừa nhận rằng người tiêu dùng vẫn có sự thỏa hiệp với hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Thực tế, người dân, dù biết đó là hàng giả, nhưng vẫn mua vì giá rất rẻ.

Hiện nay, trên thị trường có hai nguồn hàng giả, đó là giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới, và hàng giả, hàng nhái được sản xuất ở nội địa, sản xuất trong những ngõ xóm, làng nghề.

Trong năm vừa qua, với sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả, chúng tôi đã xử lý được rất nhiều vụ việc về hàng giả, đặc biệt là hoạt động kiểm tra, thu giữ tại nơi sản xuất, phối hợp với các hãng nhãn hiệu nổi tiếng để kiểm tra, xử lý. Thậm chí, đưa sang cơ quan điều tra những vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của nhiều đối tượng. 

Ông Trần Hữu Linh. Ảnh: DMS

Tổng cục QLTT vừa công khai hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố, việc chia sẻ cụ thể thông tin "điểm nóng" có ảnh hưởng tới chất lượng các cuộc kiểm tra?

- Chúng tôi công bố để chính quyền địa phương biết khu vực họ quản lý còn tình trạng như vậy, họ cũng phải có trách nhiệm. Bên cạnh đó cũng "đánh tiếng" đến những hộ kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ biết để chuyển hướng cách thức kinh doanh.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái, nếu cơ sở kinh doanh nào cố tình vi phạm sẽ có hình thức xử lý rất nặng.

Giữ được "cái đầu lạnh" của người làm nhiệm vụ ở điểm nóng

Khi "lệnh" cho cán bộ QLTT đi kiểm tra, xác minh hàng giả, hàng nhái đối với những thương hiệu lớn, ở các trung tâm thương mại có tiếng, bản thân người đứng đầu tổng cục có áp lực?

Rất áp lực, bởi những vụ việc lớn về vi phạm xuất xứ hàng hóa thường có tổ chức, thủ đoạn rất tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng. Vì thế, mỗi khi kiểm tra, xác minh, chúng tôi đều phối hợp với các lực lượng liên quan.

Với những hàng hóa đã có thương hiệu rồi, khi quản lý thị trường kiểm tra thì người dân, dư luận đều nhìn vào, cho nên phải làm rất chặt chẽ. Tất nhiên, trong quá trình làm, không tránh được những khiếu kiện, khiếu nại.

Có nhiều trường hợp mức xử phạt đối với doanh nghiệp không đáng bao nhiêu tiền nhưng khả năng bị kiện lại rất cao. Chính vì vậy, một số cán bộ QLTT có tâm lý "ngại" xử lý hàng giả, hàng nhái. Song, không vì sức ép như vậy mà chúng tôi nản lòng.

Vừa qua, một nữ cán bộ thuộc Cục QLTT Hải Phòng bị cơ quan công an khởi tố vì liên quan hoạt động buôn lậu qua biên giới. Điều này cho thấy, vẫn còn tình trạng cán bộ trong ngành không giữ được mình, tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật, ông nói gì về điều này?

- Lực lượng QLTT phải đối mặt với mặt trái của cơ chế thị trường, nhiều khi "kiểm tra hay không kiểm tra", rồi kiểm tra xong "xử phạt hay không xử phạt", có chuyển hình sự không - những vấn đề này, mặc dù đã được pháp luật quy định, song còn phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp và công vụ cán bộ.

Ngành nào cũng vậy, không thể tránh được việc thỉnh thoảng có một, hai cán bộ không giữ được mình. Những năm trước đây, lực lượng QLTT còn để lại hình ảnh không tốt cho người dân.

Với tư cách là Tổng cục trưởng, tôi đã nhìn thấy vấn đề này và ban hành hai văn bản quy phạm pháp luật nói sâu về vấn đề kiểm tra nội bộ thôi, tăng trách nhiệm của cán bộ QLTT. Trong năm qua, tôi ký một loạt văn bản kỷ luật những cán bộ QLTT vi phạm quy định, của ngành, có những kỷ luật nặng đến mức buộc thôi việc.

Lúc nào tôi cũng nói với cán bộ của mình là phải giữ được "cái đầu lạnh" của người làm nhiệm vụ ở điểm nóng.

Cảm ơn Tổng cục trưởng!

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn