MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện hàng loạt website bán điện thoại Samsung Galaxy S10+ giả mạo, tại địa chỉ số 27 Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: HÀ LINH

Tổng kiểm soát bán hàng online: Cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái

CAO NGUYÊN LDO | 13/10/2019 13:00

Bộ Công Thương vừa phê duyệt Chiến dịch thanh, kiểm tra ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc kinh doanh trên website, bắt đầu từ tháng 10.2019 và kéo dài đến hết năm 2020. Chỉ cần ngồi một chỗ với một cú “nhấp chuột” là người tiêu dùng có thể mua được các sản phẩm cần thiết. Tuy nhiên, hình thức mua bán trực tuyến này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan. Tình trạng này khiến không chỉ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đau đầu mà người tiêu dùng cũng cảm thấy bức xúc.

Truy quét tận gốc

Không khó để tìm các sự cố mua hàng qua mạng khi chỉ cần gõ “sự cố mua hàng online” trên google sẽ cho ra rất nhiều kết quả. Mua hàng không giống như hình quảng cáo, chất lượng sản phẩm không như minh họa, thậm chí kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đã và đang ngày càng trở nên phổ biến.

Nghi ngờ có sự gian lận xuất xứ hàng hóa từ website “samsungvietnam.online”, cuối tháng 8 vừa qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra đột xuất Cửa hàng kinh doanh điện thoại Di động số tại địa chỉ số 27 Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội thuộc Cty TNHH Relex Việt Nam. Thời điểm kiểm tra, Cty khai nhận đã mua 19 chiếc Samsung S10+ từ Lạng Sơn với giá 1.350.000 - 1.700.000 đồng/chiếc và đã bán qua website samsungvietnam.online với mức giá từ 1.800.000 - 3.500.000 đồng/chiếc. Việc mua bán số điện thoại trên không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật.

Từ minh chứng trên cho thấy, chính sự dễ dàng của hình thức kinh doanh qua thương mại điện tử đã gây ra nhiều hệ lụy về nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tính đến hết năm 2018, tổng số sản phẩm vi phạm buộc gỡ bỏ trên các sàn thương mại điện tử là 35.943 và hơn 3.126 tài khoản/gian hàng trên các sàn đã bị khóa.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết, hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm kinh doanh thương mại điện tử ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online. Các đối tượng cũng phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ hoặc bán hàng qua cộng tác viên trung gian. Hoặc nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế, nhiều đối tượng chỉ nhận đơn hàng, rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời… Do đó, các lực lượng chức năng rất khó tìm kiếm và xử lý các vụ việc vi phạm.

Còn ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chỉ ra, có ba loại hình thương mại điện tử tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại cao: Bán hàng trên mạng xã hội, bán hàng trên các website và sàn thương mại điện tử. Số gian hàng trên các website thương mại điện tử là vô hạn, không có ai chịu trách nhiệm. Hiện nay, hầu hết sản phẩm bán ra đều không có hoá đơn chứng từ nên việc xử lý càng khó khăn, không biết ai cung cấp hàng hoá cho các website này.

Chia sẻ lo ngại từ phía người tiêu dùng, chị Nguyễn Bích Hạnh (ở phố Nguyễn Ngọc Vũ, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hầu hết sản phẩm của các hãng có uy tín, thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Nhưng, đáng lo ngại nhất là các loại hàng giả như bếp ga, lò vi sóng, quạt, tủ lạnh,... dễ gây nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng.

Sẽ thanh, kiểm tra nhiều mặt hàng kinh doanh trên thương mại điện tử. Ảnh: TL

Nâng nhận thức tiêu dùng

Để có thể bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương vừa phê duyệt Chiến dịch thanh, kiểm tra được bắt đầu từ tháng 10.2019 và kéo dài đến hết năm 2020. Theo đó, đối tượng thanh tra, kiểm tra sẽ là các thương nhân, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc kinh doanh trên website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có dấu hiệu lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo bà Nguyễn Thị Ngà - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu, thuộc Liên hiệp hội Việt Nam, người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích mua sắm hàng giá rẻ mà quên mất việc xem xét kỹ chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng còn có tâm lý bất hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, tố giác các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Điều này đã góp phần cho hàng giả, hàng nhái có cơ hội nở rộ và hoành hành, cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý vấn nạn này.

Cũng theo bà Ngà, để công tác chống hàng gian, hàng giả có hiệu quả hơn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan. Các bộ, ngành chức năng cần kiện toàn văn bản pháp luật, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, trường hợp nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trao đổi với Lao Động, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, hiện nay chế tài xử phạt vi phạm hành chính rõ ràng chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm, mức phạt còn rất thấp so với hậu quả mà họ đã gây ra cho xã hội. Đặc biệt là các hành vi vi phạm có ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người thì hình phạt chưa tương xứng.

Theo luật sư Ứng, chính vì vậy cần hoàn thiện thêm về tội danh sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái và có hướng dẫn cụ thể để các quy định sớm đi vào thực tiễn, từ đó góp phần hạn chế, giảm tác hại của vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang hoành hành như hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn