MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

TPHCM: "Choáng" với giá 1 ký ớt bằng giá 1 ký thịt heo

Ngọc Lê LDO | 18/12/2020 12:23

Khoảng 1 tuần trở lại đây, giá ớt tại TPHCM tăng cao kỷ lục - lên tới 135.000-200.000 đồng/kg tuỳ loại ở các chợ truyền thống.

Tranh thủ đi chợ trước giờ làm thế nhưng chị Phạm Thị Mỹ Huệ sống tại đường Lý Thái Tổ (Quận 10) vẫn chưa thể mua được một ít ớt vì nhiều tiểu thương chẳng buồn bán lẻ.

"Bình thường tôi đi chợ, khi mua rau thường xin thêm 2-3 trái ớt, người bán đều vui vẻ cho, khi cần nhiều thì tôi mua 5.000 đồng là được cả lạng ớt. Thế mà nay đi mấy chỗ đều không xin được ớt mà mua ít thì người ta cũng không bán vì bảo mua ít khó cân" - Chị Huệ cho biết.

Ghi nhận của PV, tại các chợ truyền thống ở TPHCM, hiện giá ớt chỉ thiên, ớt hiểm tại một số chợ lẻ dao động trong khoảng 150.000 – 200.000 đồng/kg; ớt sừng 120.000 – 130.000 đồng/kg.

Giá ớt tại các chợ truyền thống ở TPHCM tăng cao. Ảnh minh hoạ: Hạ Mây

Bà Loan, tiểu thương buôn bán rau xanh tại chợ Nguyễn Tri Phương (Quận 5) cho biết, mấy ngày nay không có ớt hiểm để bán, ngay cả ớt xiêm nhiều lúc không nhập được hàng. Giá ớt nhập vào cũng tăng gần gấp đôi do nguồn cung thiếu hụt.

"Ngày thường hàng dồi dào, giá rẻ nên tôi thường cho khách mua rau thêm cả nhúm ớt. Giờ giá ớt tăng cao ngang ngửa ký thịt lợn, khách mua vài nghìn đồng cũng khó cân. Trước đây nhập 3-4 kg về bán giờ giảm còn 1-2 kg" - Bà Loan cho hay.

Theo đại diện chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức lý giải, thời gian này giá các loại ớt tăng cao là do thời tiết thay đổi khiến nhiều vùng trồng ớt bị thiệt hại, diện tích trồng ớt bị thu hẹp. Bên cạnh đó, do Campuchia cũng nhập ớt từ Việt Nam rất nhiều; cộng với các loại ớt Trung Quốc thời gian này tại chợ cũng không nhập về... nên nguồn cung trong nước bị thiếu hụt dẫn tới giá tăng cao.

Giá ớt hiểm tại chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức dao động từ 106.000 – 115.000 đồng/kg tuỳ loại. Ớt sừng có mức tăng giá nhẹ hơn, dao động từ 70.000 – 75.000 đồng/kg.

Được biết, hiện tại chợ đầu mối có 2 nguồn cung ớt được nhập về chủ yếu là các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre,... và các tỉnh miền Trung là Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn