MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xu hướng đi chợ qua các ứng dụng trực tuyến dần "bùng nổ" tại TPHCM. Ảnh minh hoạ: Ngọc Lê

TPHCM: Đi chợ trực tuyến đang trở thành “xu hướng"

Ngọc Lê LDO | 14/12/2020 14:15

Dịch COVID-19 nhiều người dân ngại đi chợ, buôn bán của các tiểu thương tại các chợ truyền thống vì vậy cũng khó khăn hơn, nhiều tiểu thương chuyển sang bán hàng trực tuyến.

Là một nhân viên văn phòng, không có thời gian đi chợ cũng như lo ngại dịch bệnh, chị Trần Thuý Hạnh (Quận 2, TPHCM) chọn hình thức đi siêu thị trực tuyến. Trên ứng dụng thanh toán của hệ thống siêu thị, chị có thể lựa chọn các sản phẩm từ đồ ăn tươi sống tới các vật dụng gia đình. Sau khi thanh toán, siêu thị sẽ gọi điện lại xác nhận và giao hàng tận nhà sau 1 tiếng.

Theo chị Hạnh, việc mua sắm này là giải pháp hữu hiệu giúp cho người dân hạn chế đi lại mà tiết kiệm. “Trước đây, tôi mua trực tuyến chủ yếu là các mặt hàng thời trang, đồ dùng nhưng nay có cả thực phẩm tươi sống. Bên cạnh đó, việc giao hàng miễn phí cũng được nhiều siêu thị áp dụng, tuỳ vào giá trị đơn hàng và khoảng cách giao hàng" - chị Hạnh cho hay.

Nhiều hệ thống siêu thị đã cho ra mắt ứng dụng đi chợ trực tuyến đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Ưu điểm của các ứng dụng mua sắm này là tích hợp cả việc thanh toán, hỗ trợ nhiều kênh thanh toán khác nhau như ví điện tử, thẻ visa, Internet banking giúp cho người mua thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, ứng dụng còn tích điểm, lưu lại lịch sử mua hàng, và phản ánh khiếu nại.

Ở các chợ truyền thống tại TPHCM việc buôn bán khó khăn vì dịch bệnh, tiểu thương các chợ truyền thống cũng chuyển sang bán hàng trực tuyến.

Ứng dụng đi chợ trực tuyến được nhiều người dân sử dụng để mua sắm các mặt hàng ở chợ truyền thống. Ảnh minh hoạ: Ngọc Lê

Theo quan sát của PV Báo Lao Động, trong vòng 30 phút, có đến 7 tài xế Baemin và Now Food Delivery, đến lấy đồ ăn tại sạp chè Cô Có (chợ Lê Hồng Phong, Quận 10, TPHCM), đưa điện thoại cho chủ quán xem đơn đặt hàng, sau đó đứng đợi lấy chè, trả tiền rồi đem giao cho khách.

Theo bà Có (chủ quán Cô Có), trước đây chủ yếu bán cho khách quen đến ăn chè trực tiếp, rồi khách gọi điện mua chè. Từ khi có các ứng dụng đặt hàng trực tuyến, việc bán buôn của bà cũng khá hơn, đặc biệt là khi có dịch bệnh COVID-19.

"Việc khách đặt mua chè qua các ứng dụng chiếm khoảng 40-50% doanh thu một ngày, nhờ vậy số lượng chè bán ra được hơn" - chủ quán chè cô Có chia sẻ.

Việc bán hàng trực tuyến cũng được một số tiểu thương tại các chợ như chợ Tân Định, chợ Phạm Văn Hai,... đưa vào ứng dụng, giúp tăng doanh thu cho nhiều tiểu thương.

Mặc dù việc đăng ký kênh bán hàng qua các ứng dụng khá hiệu quả, tuy nhiên nhiều tiểu thương vẫn còn băn khoăn vì mức chiết khấu mà tiểu thương trả cho các ứng dụng còn khá cao. Cước phí giao hàng qua các ứng dụng nhiều trường hợp còn đắt hơn 2-3 lần so với giá trị đơn hàng, khiến nhiều khách hàng cũng e ngại.

Khảo sát mới công bố vào tháng 11.2020 của Công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu tại Việt Nam (Nielsen Việt Nam) cho thấy, số người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng lên 25%, các kênh truyền thống như siêu thị, chợ và tạp hóa tăng lần lượt 7%, 3% và 6%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn