MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điểm giết mổ, cung cấp thịt lợn cho TPHCM. Ảnh: Ngọc Lê

TPHCM: Vì sao thực phẩm chưa giảm giá?

NGỌC LÊ LDO | 08/09/2022 14:12
Giá xăng dầu đã nhiều lần được điều chỉnh giảm giá, tuy nhiên nhiều mặt hàng bình ổn giá tại TPHCM như trứng, thịt gia súc, gia cầm... vẫn chưa trở về mức giá thấp như trước đây. Theo các doanh nghiệp nguyên nhân do các chi phí khác vẫn đang tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm.   

Giá trứng, thịt heo vẫn chưa giảm 

Sau khi giá xăng dầu trong nước liên tục giảm, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tại TPHCM cũng đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, mặt hàng trứng, thịt gia cầm, thịt heo… giá đến nay vẫn không thay đổi.

Theo bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, trong cơ cấu giá thành sản phẩm trứng gia cầm, giá xăng dầu không chiếm nhiều. Trong khi đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, yếu tố chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

“Hiện nay giá trứng gia cầm tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn đang thấp hơn thị trường từ 10-15%. Trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào đang tăng cao” - bà Phạm Thị Huân cho hay. 

Bà Lý Kim Chi-Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) cho biết, thời gian qua, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng tới 50%, doanh nghiệp cũng phải tăng vốn lưu động tương ứng. Hiện nay nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tiếp cận được các gói hỗ trợ giảm thuế, giảm giá xăng dầu... riêng nguồn vốn vay từ ngân hàng vẫn rất khó khăn. 

Nhiều doanh nghiệp tìm đến ngân hàng, nhưng phải có tài sản để thế chấp. Thậm chí, có tài sản bảo đảm cũng vẫn khó vay do ngân hàng cạn room tín dụng (giới hạn cho vay của ngân hàng).

“Giá nguyên vật liệu tất cả các ngành đều tăng cao, đặc biệt, giá thức ăn của ngành chăn nuôi, giá nguyên liệu của ngành lương thực thực phẩm tăng từ 30-50%, kéo theo nhiều mặt hàng đều tăng giá. Nhiều doanh nghiệp sản xuất trứng, gạo vẫn tham gia các chương trình bình ổn giá… Dù gần đây, giá một số mặt hàng được điều chỉnh tăng nhưng không bù đắp nổi với mức tăng khủng khiếp của chi phí nguyên liệu đầu vào” - bà Lý Kim Chi - Chủ tịch FFA cho biết thêm.

Doanh nghiệp cầm cự giá vượt qua khó khăn

Theo Sở Tài chính TPHCM, qua rà soát, ở nhóm hàng mì gói các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn có đề xuất tăng giá, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Cụ thể, các doanh nghiệp nêu lý do 80% giá thành sản phẩm chủ yếu cấu thành từ giá nguyên liệu như: Bột mì, dầu cọ, trấu, than cám… trong khi chi phí xăng, dầu chỉ chiếm 3% nên giá xăng dầu có giảm nhưng tác động không nhiều đến cơ cấu giá thành.

Trong khi đó, giá nguyên liệu chính đã tăng 15-28% so với đầu chương trình. Vì vậy, các doanh nghiệp đã đề xuất điều chỉnh tăng giá. Tuy nhiên, Sở Tài chính cho biết, sở và các thành viên tổ công tác đã đề nghị các doanh nghiệp cố gắng giữ giá để đồng hành, chia sẻ với thành phố trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Các doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm, thịt gia cầm, thịt lợn cũng cho biết, giá xăng chỉ chiếm cơ cấu nhỏ trong giá thành. Trong khi giá nguyên liệu chiếm tỉ trọng lớn lại tăng trong thời gian qua nên việc giảm giá là khó khả thi.

Do đó, hiện nay các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong Chương trình bình ổn thị trường chưa thể điều chỉnh giảm, mà các doanh nghiệp đang cố gắng hết sức để giữ giá ổn định trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo Sở Công Thương TPHCM, 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 746.578 tỉ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn