MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thực phẩm, rau củ, quả ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM) rất dồi dào, giá cả ổn định. Ảnh: Minh Quân

TP.Hồ Chí Minh: Giá cả không biến động

MINH QUÂN LDO | 26/03/2020 11:22

Ông Lê Văn Tiển - Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (TPHCM) cho biết, từ ngày 20.2 đến nay hàng Trung Quốc về chợ đã bình thường, giá cả không biến động, thậm chí có mặt hàng giảm nhẹ. Theo đó, nấm kim châm 45.000 đồng/kg; bông cải trắng giảm 3.000 đồng còn 22.000 đồng/kg, quýt giảm 5.000 đồng còn 15.000 đồng/kg, táo giảm 1.000 đồng còn 25.000 đồng/kg, lê 20.000 đồng/kg…

Theo ông Tiển, hàng Trung Quốc về chợ Hóc Môn chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ khoảng 4% trong tổng lượng hàng nhập chợ mỗi ngày, tương đương khoảng 100 tấn/ngày. Trong đó, có khoảng 10 mặt hàng có sản lượng lớn như tỏi, bắp cải tím, bông cải trắng, nấm kim châm, hành đỏ, hành tây, gừng, quýt, táo, lê.

Tương tự, ông Nguyễn Nhu - Phó Tổng Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM), cho biết, hàng hóa về chợ ổn định, lượng hàng nhập chợ bình quân 3.400 tấn/đêm. Trong đó, lượng rau, gia vị Trung Quốc chiếm tỉ lệ nhỏ khoảng 7-8%; trái cây Trung Quốc về chợ cũng chiếm tỉ lệ nhỏ khoảng 20% và hiện nay có mặt hàng táo, quýt. Còn lại, chiếm đa số là các mặt hàng trái cây, rau củ quả của trong nước, giá cả đều tương đối ổn định.

Tại các siêu thị ở TPHCM, giá rau, củ quả được khuyến mãi rất nhiều. Cụ thể, tại Big C, cải cầu vồng 300gr giảm còn 10.000 đồng/kg; măng tây xanh 250gr còn 28.000 đồng; dưa lưới giống Hà Lan giá 69.000 đồng/kg; xoài keo vàng có giá 26.000 đồng/kg… Tại Co.op Mart, chuối lapa, quả su su, dưa leo, rau dền… đều được siêu thị này giảm giá 20%. Tại VinMart, xoài cát chu giá 29.000 đồng/kg; lê Hàn Quốc có giá 69.000 đồng/kg; xoài Đài Loan trái dài còn 22.000 đồng/kg; bưởi hồng da xanh túi lưới giảm còn 43.000 đồng/kg…

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, Sở Công Thương đã phối hợp sở ngành chức năng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tránh nguy cơ gây mất ổn định thị trường hàng hóa từ 3 nguồn chính: Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm từ 30% - 40% thị phần, các chợ đầu mối (mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% - 70% thị phần và từ các doanh nghiệp khác chiếm 10% - 20% thị phần.

Cụ thể, lương thực khoảng 3.319,9 tấn/tháng (ngắn hạn) và 9.959,8 tấn/3 tháng (dài hạn). Trứng gia cầm khoảng 62,4 triệu quả/tháng và 187,1 triệu quả/3 tháng. Thịt gia súc 2.224,7 tấn/tháng và 15.674,1 tấn/3 tháng. Thịt gia cầm hơn 11.780,6 tấn/tháng và 35.341,8 tấn/3 tháng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn