MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trái sầu riêng giúp nông dân vươn lên khá, giàu. Ảnh: K.Q

Trái cây miền Tây đi chinh phục thế giới: Khi sầu riêng thành niềm vui chung

KỲ QUAN LDO | 10/12/2022 06:52

Cách đây 3 năm, khi đợt hạn mặn lịch sử mùa khô 2019 - 2020 làm thiệt hại khoảng 30% diện tích trồng sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang, sầu riêng được nông dân ví von đã trở thành “sầu chung”. Lúc ấy nhiều nông dân định chuyển sang trồng cây khác nhưng chính quyền đã động viên người dân giữ vững diện tích sầu riêng. Đến nay trái sầu riêng đang mang lại niềm vui chung cho người trồng.

Niềm vui “xuất khẩu chính ngạch”

Cuối năm là mùa thu hoạch rộ trái sầu riêng ở miền Tây. Những ngày này, đi trên những con đường nông thôn huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), đâu đâu cũng thấy xe ba gác, xe gắn máy chở sầu riêng từ vườn ra vựa; rồi từ vựa trái sầu riêng được xử lý, đóng bao bì đưa lên xe container trực chỉ hướng biên giới phía Bắc.

Từ sau khi thị trường Trung Quốc (tiêu thụ 70 - 80% lượng sầu riêng Việt Nam) mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, nhất là khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này từ tháng 10.2022, giá mua sầu riêng được nâng lên, nhà vườn lãi cao, nông dân phấn khởi.

Trước đó, mùa khô 2019 - 2020, nước mặn xâm nhập rất sâu vào các nhánh sông Cửu Long. Trên sông Tiền, nước mặn xâm nhập sâu đã làm thiệt hại khoảng 30% diện tích trên tổng số gần 15.000ha trồng sầu riêng của tỉnh Tiền Giang. Kế đến là dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, thị trường Trung Quốc bị đóng băng, càng làm người trồng sầu riêng điêu đứng.

Dù vậy, theo chủ trương của tỉnh Tiền Giang, nhà vườn đã kiên trì khôi phục và phát triển diện tích trồng sầu riêng. Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã có 16.890ha trồng sầu riêng, trong đó riêng huyện Cai Lậy có khoảng 9.000ha, năng suất bình quân 22 tấn/ha.

Ngành NNPTNT tỉnh Tiền Giang đang tăng cường hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng sầu riêng an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP, kỹ thuật ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa rải vụ, tưới phun sương tự động tiết kiệm nước… Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Cai Lậy" cho Hội Làm vườn huyện Cai Lậy, tạo thêm động lực cho sự phát triển bền vững của loại cây ăn trái đặc sản này.

Trái sầu riêng ở xã nông thôn mới nâng cao

Một ngày đầu tháng 12.2022, chúng tôi đến xã Phú An, một trong những vùng trồng sầu riêng lớn nhất huyện Cai Lậy. Con đường liên xã từ Quốc lộ 1 chạy vào xã đang được nhựa hóa khang trang. Phó Chủ tịch UBND xã - ông Mai Văn Tâm - cho biết, diện tích trồng sầu riêng chiếm hơn 50% trên tổng số khoảng 1.500ha đất sản xuất của xã và đang tiếp tục tăng lên.

Cây sầu riêng đã giúp người dân trong xã thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Đặc biệt từ khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, giá bán rất tốt, nông dân lãi nhiều. Hiện toàn xã chỉ còn hơn 50 hộ nghèo, chiếm chỉ hơn 1%. Kinh tế khá lên giúp cho tình hình an ninh trật tự càng thêm ổn định, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Chúng tôi đến thăm một hộ trồng sầu riêng ở ấp 2 xã Phú An, đó là hộ ông Võ Chí Sắc. Ông Sắc cho biết, vợ chồng ông có hơn 4 công đất (4.000m2) do cha mẹ để lại, trong đó có 3 công trồng sầu riêng với 66 cây. Vụ sầu riêng năm 2022 ông thu hoạch được hơn 10 tấn quả, giá bán từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, trừ hết chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng. Nhờ cây sầu riêng mà vợ chồng ông cất nhà mới khang trang, nuôi con học đại học ở TPHCM…

Ông Sắc dành khoảng 200m2 đất để làm ao trữ nước mưa phòng khi nước mặn xâm nhập sâu như mùa khô 2019 - 2020. Ông Sắc trang bị hệ thống tưới tự động và nhiều phương pháp khác theo hướng sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường.

Bí thư Đảng ủy xã Phú An - ông Nguyễn Đức Kiên - chia sẻ: Nhờ hiệu quả kinh tế cao của trái sầu riêng mà Phú An đã sớm đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2016 và đang hoàn thành các tiêu chí để được công nhận Nông thôn mới nâng cao dự kiến vào năm 2023. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn