MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe tải xếp hàng dài chờ làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn (ảnh chụp chiều 22.10). Ảnh: A.TÚ

Ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc: Tránh để nông sản bị đổ bỏ

CƯỜNG NGÔ - PHONG NGUYỄN - HOÀI ANH LDO | 23/10/2019 14:39

Đã sang ngày thứ 11, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai), tình trạng ùn ứ nông sản các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó có thanh long vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 22.10, các đoàn công tác của Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương đã trực tiếp đến cửa khẩu Tân Thanh để hỗ trợ cho công tác giải phóng các xe hàng đang dồn ứ tại đây. 

Khốn đốn vì nông sản tắc nghẽn ở cửa khẩu

Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) làm nghề lái taxi ở xã Tân Thanh (huyện Văn Lãng) cho hay - những ngày qua, có hàng trăm xe tải nối đuôi nhau, không thể di chuyển về phía cửa khẩu Tân Thanh để xuất hàng sang Trung Quốc.

Trên đường đi, chúng tôi cũng gặp không ít tài xế mệt mỏi đứng, ngồi, mắc võng giữa hai xe hàng nằm nghỉ. Gần chợ Tân Thanh, các lái xe cho biết, họ “chôn chân” ở khu vực này 4 -5 ngày nay, chưa được thông quan.

Anh Nguyễn Văn Trường (34 tuổi), lái xe chở thanh long từ tỉnh Bình Thuận ra Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc cho hay: Để di chuyển từ Bình Thuận ra đến cửa khẩu Tân Thanh phải mất 4 ngày đường. Bình thường chỉ một ngày là anh đã xuất xong hàng. Còn chuyến hàng này đến nay đã 8 ngày trôi qua, xe vẫn ở ngoài đường.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Phóng (Tiền Giang) nhiều ngày nay cũng chưa được thông quan. Xe của anh cùng xe phương tiện khác đang dừng ở bãi tập kết hàng chờ xuất khẩu và nhích từng bước về phía cửa khẩu chờ xuất hàng. “Có nhiều tài xế may mắn chở hàng qua được Trung Quốc đành phải quay lại do hàng bị hư, bán đổ bán tháo ngay bên hông cửa khẩu Tân Thanh, cho nên lúc nào cũng phải nổ máy, bật điều hòa để hàng khỏi hỏng. Tình trạng này mà kéo dài, chúng tôi cũng không biết xoay sở thế nào”, anh Phóng cho hay.

Trao đổi với Lao Động, bà Hoàng Thị Thiều Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải Quan Tân Thanh cho biết, hiện tượng các xe hàng nông sản dồn về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến bắt đầu từ ngày 15.10. Thời điểm này bắt đầu vào mùa vụ thanh long, lượng hàng tăng đột biến, lượng xe chở hàng đến cửa khẩu tăng so với ngày thường.

“Việc sản xuất của Việt Nam là sản xuất đại trà, bà con không quy hoạch vùng trồng cũng như không có đầu mối thu mua. Thêm vào đó các tỉnh cũng chưa có kế hoạch cho việc xúc tiến thương mại, do vậy, hàng năm thương nhân cứ thu mua rồi lên đến cửa khẩu mới trao đổi và bán hàng”, bà Hoa nói. Bà Hoa cũng cho biết thêm, hiện nay, do phía Trung Quốc triển khai việc kiểm soát phương tiện chở hàng sang Trung Quốc cũng như xe không (phương tiện sang Trung Quốc chở hàng về Việt Nam).

Theo ông Hoàng Khánh Duy - Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tại cửa khẩu phụ Tân Thanh (cửa khẩu chủ yếu xuất khẩu nông sản, đặc biệt là hoa quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc), theo thông lệ, vào cuối năm hàng hoá xuất khẩu tăng đột biến tại cửa khẩu này. Trong quý III/2019, lượng hàng hoá nông sản, trái cây xuất khẩu giảm nhiều so với cùng kỳ, số lượng phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu thông quan trung bình khoảng 80 - 150 xe/ngày. Tuy nhiên, từ 15.10.2019 đến nay, lượng hàng hoá dồn về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến, khoảng 250 xe/ngày, chủ yếu là thanh long và một số hàng nông sản khác từ các tỉnh: Bình Thuận, Gia Lai, Tiền Giang... đang vào vụ thu hoạch chính nên nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này và nhiều loại nông sản khác tăng cao. Do đó, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) đã xuất hiện tình trạng ùn ứ nông sản các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Không bỏ mặc khiến nông sản phải bị đổ bỏ do thối hỏng

Trao đổi với PV Báo Lao Động trưa 22.10, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau khi tích cực đàm phán với phía bạn, hiện nay thời gian kiểm tra hàng hóa để thông quan rút ngắn xuống còn khoảng 3 phút/xe, giảm 8-10 phút so với mấy ngày trước, nên lượng xe chở nông sản dồn ứ đã được giảm bớt khoảng 40 xe/ngày.

“Hiện tại, còn khoảng 460 xe nông sản bị dồn ứ/ngày. Trong một vài ngày tới, số lượng này cũng sẽ tiếp tục giảm thêm” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định. Từ Lạng Sơn, đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng cho biết: Đến 19h30 ngày 21.10.2019, lượng xe chở hàng nông sản dồn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh còn khoảng 470 xe. Và đến sáng 22.10, lượng xe ùn ứ giảm xuống còn gần 400 xe.

Cảnh sinh hoạt tạm bợ của lái xe tại cửa khẩu Tân Thanh. Họ đã “ăn chực nằm chờ” cả chục ngày nay. Ảnh: C.NGÔ

Để hỗ trợ các chủ hàng, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã trực tiếp kiểm tra tình hình thực tế, chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng tại cửa khẩu; phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường ra cửa khẩu. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã bố trí lực lượng giải quyết ưu tiên thông quan xe chở hàng nông sản, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các dịch vụ cung cấp thức ăn, nước uống cho các lái xe, chủ hàng, thậm chí, trực tiếp cung cấp đồ ăn, nước uống cho các lái xe. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao các cơ quan chức năng tiếp tục gặp gỡ, trao đổi với phía nước bạn để tháo gỡ vướng mắc, đề nghị phía Quảng Tây, Trung Quốc phải có lộ trình và có thông báo trước khi áp dụng các phần mềm mới trong quản lý xuất nhập cảnh; thông tin khuyến cáo đến các tỉnh có nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh để phối hợp điều tiết hợp lý lượng hàng hóa lên cửa khẩu này.

Ông Nguyễn Quốc Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn - kiến nghị với Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT phải thông báo, khuyến cáo tới các doanh nghiệp, thương nhân chủ động trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật tình hình những yêu cầu của thị trường xuất khẩu như: Tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại... Đại diện Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương khẳng định, sẽ phối hợp với địa phương hỗ trợ các chủ hàng và người trồng trọt đến mức tối đa, không để xảy ra cảnh trái cây phải bị đổ bỏ do thối hỏng hoặc do lái xe chán nản bỏ lại hàng.

Để không tái diễn cảnh hàng hóa nông sản bị dồn ứ tại cửa khẩu, cảnh báo tới các doanh nghiệp và người trồng trọt, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Hiện đã bắt đầu vào thời điểm chính vụ thu hoạch mặt hàng thanh long để tiêu thụ và xuất khẩu, các lực lượng chức năng địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng điều phối hoạt động xuất khẩu thanh long (điều tiết phương tiện, phân luồng giao thông, trao đổi với phía Trung Quốc để tăng thời gian làm việc...); có thể sắp xếp làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ trong trường hợp cần thiết. “Đặc biệt, cần chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận hàng hóa; điều tiết, giãn tiến độ vận chuyển và giao hàng tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Kim Thành trong thời điểm hiện nay nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Được biết, hiện tại, Chi cục hải quan Tân Thanh đã phối hợp với lực lượng biên phòng và Cty quản lý kho bãi Lực lượng biên phòng và Trung tâm quản lý cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam đã có trao đổi trực tiếp với phía Trung Quốc và đề nghị phía Trung Quốc đưa toàn bộ xe không cũng như xe có hàng vào phía sâu trong bãi như trước đây rồi mới kiểm tra kiểm soát. Với tốc độ thông quan như hiện tại thì dự kiến 2-3 ngày nữa sẽ hết tình trạng ùn ứ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn