MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Ảnh: Phan Anh

Vá lỗ hổng trên thị trường xăng dầu

Cường Ngô LDO | 13/01/2024 06:46

Gần 2 tháng sau khi ban hành Nghị định 80 về quản lý xăng dầu, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị các Sở Công Thương địa phương góp ý để xây dựng nghị định mới. Theo TS Vũ Đình Ánh - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả và thị trường, Bộ Tài chính, cái gốc của vấn đề là Nhà nước phải tạo ra thị trường xăng dầu thực sự, để thị trường tự vận hành và điều tiết theo nguyên tắc cạnh tranh.

Sửa nghị định về xăng dầu, đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá

Góp ý sửa nghị định mới, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát cho rằng, cơ quan soạn thảo cần quy định tỉ lệ chi phí định mức và lợi nhuận định mức trong giá bán lẻ, tối thiểu 1.000 đồng/lít. Chiết khấu thương mại sẽ thực hiện theo quy định về chiết khấu và theo thỏa thuận giữa các chủ thể (doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ).

Theo ông Thắng, nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần xây dựng mô hình thành phần kinh doanh xăng dầu tách biệt, độc lập và minh bạch. Trong đó, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân khối phải tách biệt rõ ràng, không mua bán, chuyển giá lòng vòng khiến lợi nhuận các khâu bị triệt tiêu, dẫn đến bất ổn thị trường.

Đồng thời quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của từng khâu trong thị trường xăng dầu.

"Để ngăn chặn các hành vi gian lận, câu kết với nhau hình thành tập đoàn lợi ích kinh doanh xăng dầu, ông Thắng cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối không được ký ngang hàng với doanh nghiệp đầu mối cùng cấp.

Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần quy đổi giao nhận nội địa về D15 (xác định giá trị khối lượng riêng quy đổi của xăng dầu tại nhiệt độ 15 độ C trong quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu) để công bằng với doanh nghiệp bán lẻ; hạn chế và triệt tiêu hành vi trốn thuế của một số doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu khi lợi dụng chênh lệch nhiệt độ để thu lợi bất chính" - ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho rằng, cần tách bạch dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông để doanh nghiệp gia tăng tài chính, đảm bảo trách nhiệm và nhiệm vụ tạo nguồn, chống đứt gãy và lợi dụng lũng đoạn thị trường như thời gian qua.

Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam cũng đồng tình với việc khi sửa nghị định về kinh doanh xăng dầu cần áp dụng chi phí và lợi nhuận định mức cho các khâu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, bao gồm doanh nghiệp đầu mối - sản xuất, phân phối và bán lẻ.

Theo đó, chi phí và lợi nhuận định mức cho tổng 3 khâu là 1.350 đồng/lít. Việc phân chia sẽ do liên Bộ Công Thương - Tài chính tính toán, quyết định.

Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, theo ông Phương, thời gian qua cũng chính vì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không phát huy được tính minh bạch và chưa điều tiết được thị trường xăng dầu, nhiều công ty đầu mối chiếm dụng sai mục đích, cho nên, ông đề nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

“Để điều tiết giá xăng dầu phục vụ an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát, hiện Nhà nước đã có công cụ chính là điều tiết thuế, phí trong giá nhập khẩu xăng dầu, do vậy không cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu” - ông Phương nói.

Phải tạo ra thị trường xăng dầu thực sự

Khi sửa nghị định về kinh doanh xăng dầu, TS Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giá cả và Thị trường, Bộ Tài chính cho rằng, cái gốc của vấn đề là Nhà nước phải tạo ra thị trường xăng dầu thực sự, để thị trường tự vận hành và điều tiết theo nguyên tắc cạnh tranh. Đầu tiên là thống nhất về quản lý Nhà nước, chuyển toàn bộ quản lý giá xăng dầu, quản lý dự trữ xăng dầu về Bộ Công Thương.

Theo TS Ánh, một thị trường cạnh tranh chỉ được tạo ra khi Nhà nước giao chỉ tiêu tối thiểu nhập khẩu xăng dầu cho thương nhân đầu mối, không can thiệp vào giá nhập khẩu, khối lượng nhập khẩu hay mua lại bao nhiêu từ các nhà máy trong nước.

Ông cho rằng, nếu sắp xếp lại hệ thống, tạo cạnh tranh giữa các đầu mối, giá đầu vào sẽ giảm xuống mức thấp nhất, qua đó giảm được giá đầu ra và kiểm soát chi phí. Muốn vậy, thương nhân phân phối phải cạnh tranh để tạo ra lớp thương nhân đầu mối có thể mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp. Tương tự, tách rời thương nhân bán lẻ, tránh tạo ra độc quyền nhóm, vốn là nút thắt của ngành xăng dầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn