MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vắng vẻ chợ Bến Thành: Tiểu thương người đóng sạp, người cầm cự chờ dịch qua

Lê Phúc LDO | 30/12/2020 16:01

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, suốt thời gian qua đường bay quốc tế cũng tạm đóng cửa, không có du khách, chợ Bến Thành rơi vào tình trạng vắng vẻ, nhiều tiểu thương đóng sạp vì không có khách ghé thăm.

This browser does not support the video element.

Tiểu thương chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) trải lòng về việc kinh doanh trong năm.

Ghé thăm chợ Bến Thành (Quận 1) vào những ngày cuối năm 2020, nơi đây trở nên vắng vẻ lạ thường do ảnh hưởng dịch COVID-19. Hàng loạt sạp đóng kín cửa, phủ khăn che hàng hóa, khác hẳn hình ảnh trước kia hàng hóa đầy ắp, sầm uất người mua kẻ bán.

40% sạp đóng cửa

Bước vào nhà lồng chợ từ các cửa Nam, Bắc, Đông, Tây hay các cửa phụ khác trong những ngày này không cần phải chen lấn. Thậm chí, đứng ở cửa Tây có thể nhìn xuyên tới cửa Đông vì không có khách. Nhiều tiểu thương ôm điện thoại để "giết thời gian" hoặc nói chuyện với nhau cho hết ngày vì không có khách.

Những ngày cuối năm 2020, chợ Bến Thành vắng vẻ lạ thường. Ảnh: Lê Phúc

Trò chuyện cùng PV Báo Lao Động, bà Phượng bán đồ ăn tại chợ Bến Thành cho biết, gia đình bà có 4 sạp bán đồ ăn nằm kế nhau tại chợ Bến Thành nhưng do dịch bệnh COVID-19 nên phải đóng cửa đến 3 sạp. Hiện giờ chỉ còn lại 1 sạp kinh doanh bún, phở để cố gắng duy trì cuộc sống.

"Cũng được nhiều người động viên nên chúng tôi mới tiếp tục kinh doanh cầm cự. Nằm mơ cũng không nghĩ tới rằng kinh doanh giảm sút tới 90%, giờ chủ yếu là khách quen ghé quán chứ không có thêm khách mới suốt 1 năm qua. Chỉ biết thắt chặt chi tiêu và chờ dịch qua đi để còn kinh doanh", bà Phượng cho hay.

Trước đó, vào cuối tháng ba, đầu tháng 4.2020, khi tình hình dịch có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều tiểu thương đã chủ động tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động kinh doanh, buôn bán để cùng chung sức phòng, chống dịch.

Đến nay, sau nhiều tháng đóng cửa, tiểu thương mở cửa trở lại mong có thể tiếp tục buôn bán bù đắp lại phần nào thiệt hại trong gần 1 năm qua, tuy nhiên tình hình không khả quan hơn là mấy.

Hàng loạt sạp đã đóng cửa nhiều tháng trời, chưa có dấu hiệu trở lại hoạt động. Ảnh: Lê Phúc

Chị Ngọc Kiều, chủ sạp kinh doanh giày dép, cho biết: "Có tới 40-50% sạp ở khu 1, 2 phải đóng cửa, còn các khu 3, 4 kinh doanh các mặt hàng như ăn uống, bánh kẹo chỉ tầm 20% sạp đóng cửa. Trung bình một mặt bằng thuê có giá 1.000 đô la Mỹ (khoảng hơn 23 triệu đồng), chưa kể các loại phí, nhiều tiểu thương không duy trì được buộc phải đóng cửa, trả sạp".

"Nỗi buồn không của riêng ai"

Anh Nguyễn Minh Vương, kinh doanh quần áo tại sạp 95-97 cửa Đông chợ Bến Thành tâm sự, vừa ra giêng hai vợ chồng anh đều dồn hết vốn liếng để lấy hàng về bán thì dịch COVID-19 bùng phát khiến anh phải đóng quầy. Đây cũng là hoàn cảnh chung của các tiểu thương tại chợ.

Sau khi dịch được kiểm soát, vợ chồng anh mở lại quầy để bán nhưng có những ngày không bán được sản phẩm nào. Để duy trì cuộc sống và kiếm đủ tiền trả mặt bằng, anh Vương đã phải chạy giao hàng nhưng chẳng được bao lâu thì đơn vị anh làm cũng đóng cửa.

Thông báo cho thuê sạp xuất hiện rất nhiều trong chợ. Ảnh: Lê Phúc

"Đã từng nghĩ mình sẽ đóng sạp rồi 2 vợ chồng kiếm gì khác để làm nhưng lại không có vốn, gia đình lại sắp đón thêm thành viên mới, nếu giờ đầu tư mà tiếp tục không có lãi thì không biết phải xoay xở ra sao. Định bán nốt mấy ngày của năm 2020, xong tôi sẽ trả sạp và kiếm đơn vị giao hàng khác để xin việc, đợi khi nào dịch ổn hơn sẽ quay lại kinh doanh sau"- anh Vương bộc bạch.

Chợ Bến Thành hoạt động chủ yếu phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước nhưng nay do dịch bệnh, đường bay quốc tế đóng cửa nên tình hình buôn bán cũng theo đó mà đi xuống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn