MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao giá xăng tăng, xô đổ kỷ lục từ trước tới nay

Anh Tuấn LDO | 12/05/2022 15:09
Sau kỳ điều chỉnh chiều 11.5, giá xăng lại tăng lên mốc mới là 29.988 đồng/lít RON 95, xô đổ kỷ lục đã lập hồi tháng 3 năm nay.

Tại sao giá xăng tăng kỷ lục?

Từ ngày 11.5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Mỗi lít xăng E5 RON 92 từ thời điểm này đã tăng 1.490 đồng; tăng 1.550 đồng xăng RON95. Như vậy, giá xăng E5 RON 92 là 28.950 đồng một lít và 29.980 đồng với RON95. Riêng loại xăng RON95 V (loại xăng cao cấp) giá đã vượt 30.000 đồng.

Đây là đợt tăng giá liên tiếp từ cuối tháng 4 và sau đợt tăng này, giá xăng RON95 đã lập đỉnh mới, cao hơn mức thiết lập hồi giữa tháng 3 là 160 đồng một lít. Còn E5 RON92 thấp hơn mức đỉnh hồi tháng 3 khoảng 30 đồng mỗi lít. Dầu hoả là 25.160 đồng một lít, tăng 1.340 đồng. Dầu diesel là 26.650 đồng một lít, tăng 1.120 đồng.

Theo Bộ Công Thương, giá xăng tăng mạnh phiên 11.5 có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, thị trường xăng dầu thế giới tuần qua có nhiều biến động lớn. Việc EU đưa ra đề xuất cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga và OPEC+ không tăng sản lượng so với kế hoạch như đề xuất của EU đã gây lo ngại về nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Giá xăng tăng mạnh trong phiên điều chỉnh ngày 11.5. Ảnh: Hải Nguyễn 

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho rằng, nhu cầu dầu thô tăng sau khi Mỹ công bố kế hoạch mua 60 triệu thùng để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp. Các yếu tố trên đã đẩy giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm tăng cao so với tuần trước.

Dữ liệu của Bộ Công Thương cho thấy, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11.5 và 4.5 là 136,9 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92, tăng 8,29% so với kỳ trước; còn xăng RON 95 là 141 USD/thùng, tăng 8,26%.

Còn dầu hỏa là 147,69 USD/thùng, tăng 8,3%; 150,1 USD/thùng dầu diesel, tăng 5,01%; 701,8 USD/tấn dầu mazut, tăng 0,24%.

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước bắt đầu có xu hướng giảm. Theo chủ trương mới của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang phục hồi trở lại.

Kỳ điều hành lần này, Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng RON 95, xăng E5 RON 92 và dầu hỏa, đồng thời thực hiện chi quỹ đối với dầu hỏa và dầu mazut để giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Giá xăng tăng, doanh nghiệp "méo mặt"

Việc giá xăng dầu vượt đỉnh lịch sử đã tác động lớn đến kích cầu tiêu dùng nội địa khi hàng hoá, dịch vụ có xu hướng tăng theo giá xăng.

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Xuất nhập khẩu Trần Quốc - cho hay, giá xuất khẩu bột mì là 10.500 triệu đồng/tấn. Nay giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng. Doanh nghiệp xuất khẩu muốn giữ giá bán như cũ để cạnh tranh với sản phẩm cùng chủng loại của các nhà xuất khẩu đến từ những quốc gia khác trong khu vực thì phải chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc ép giảm giá mua nguyên liệu.

Ông khẳng định: "Nếu nhà chức trách không can thiệp nhanh rất dễ dẫn đến đứt gãy không chỉ khu vực vận chuyển mà tất cả lĩnh vực bởi xăng dầu tăng giá thì tất cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ nối đuôi theo".

Để kìm hãm đà tăng rất mạnh của giá xăng dầu, đảm bảo chương trình phục hồi kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh bình thường mới, trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.

Theo vị chuyên gia, về bản chất, nguồn tiền của Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền mà người dân trích ra từ giá xăng dầu, để cơ quan nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt ở thời điểm giá tăng sốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn