MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một doan nghiệp tại Bình Dương sử dụng gỗ NK từ Châu Âu để sản xuất, chế biến ra các sản phẩm XK sang Mỹ. Ảnh: KH.V

Việt Nam nói không với gỗ bất hợp pháp

Anh Linh LDO | 09/12/2018 09:30
Vươn lên vị trí thứ 5 thế giới và số 1 Đông Nam Á trong lĩnh vực xuất khẩu (XK) gỗ và lâm sản, gỗ và lâm sản trở thành ngành hàng XK quan trọng thứ 6 của Việt Nam.

Trong 10 năm qua, giá trị XK của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã tăng xấp xỉ 4 lần, 11 tháng năm 2018 ước đạt 8,49 tỉ USD, ước cả năm đạt khoảng 9,4 tỉ USD, tăng 15% so với 2017. XK gỗ và sản phẩm gỗ trở thành một trong các ngành hàng XK chủ lực trong nhóm ngành nông lâm thủy sản. Đặc biệt, Việt Nam đang từng bước từ bỏ thói quen sử dụng gỗ tự nhiên, bất hợp pháp.

Chuyển dịch tích cực từ các làng nghề

Ông Nguyễn Duy Vinh-Giám đốc Cty TNHH Hoàng Phát cho biết: Trước đây DN của ông sử dụng gỗ keo để chế biến đồ gỗ. Nay do nguồn gỗ này không đáp ứng đủ, ông chuyển sang tìm hiểu và sử dụng gỗ từ châu Âu. Theo ông, dùng gỗ châu Âu hiệu quả hơn gỗ châu Á và châu Phi, bởi nguồn tư châu Phi toàn gỗ thiên nhiên, không có kiểm soát; nguồn châu Á là gỗ tự nhiên khai thác từ Lào đến nay cũng hết. Ông Nguyễn Duy Vinh cho biết thêm: Hiện nay, tại làng nghề Hữu Bằng (Thạch Thất-Hà Nội), các DN, hợp tác xã, hộ sản xuất dùng gỗ châu Âu rất nhiều. “Gỗ dùng ở Thạch Thất 100% là gỗ hợp pháp, hoàn toàn không có gỗ lậu. Gỗ châu Phi ít dùng, chỉ khoảng 1-2%, gỗ Campuchia trước đây có sử dụng một ít, nhưng nay cũng không có”.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh-Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), chiến lược của các DN là chế biến sản phẩm XK sang thị trường nào thì mua nguyên liệu của thị trường đó. Đối với gỗ rừng trồng trong nước, gỗ rừng trồng đã đáp ứng được 75% nhu cầu, chỉ phải nhập khẩu (NK) 25%. Gỗ rừng trồng giúp việc tăng đời sống nông dân, phủ xanh đồi trọc, thỏa mãn một phần tổng cầu nền kinh tế.

Ngoài ra, 25% gỗ NK 25% giúp làm phong phú thêm thị trường tiêu thụ của 100 quốc gia mà Việt Nam XK gỗ sang, trong đó có 10 quốc gia chủ lực, (chiếm tới 92,5%). “Chúng tôi không cần gỗ từ rừng tự nhiên, các cơ quan chức năng cần quản lý để không có tấc gỗ nào vượt ra khỏi biên giới. Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia xem cơ chế phối hợp chính sách để ngăn chặn không cho nhập lậu vào Việt Nam”-ông Huỳnh Văn Hạnh nói.

Cần sự hỗ trợ

Từ khảo sát thực trạng của 5 làng nghề gỗ vùng đồng bằng sông Hồng, các chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết: Ngoài số gỗ rừng trồng trong nước, một số làng nghề (Liên Hà, Hữu Bằng) sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào rủi ro thấp, thân thiện về môi trường, bao gồm gỗ NK từ Mỹ, EU, gỗ rừng trồng trong nước và các loại ván công nghiệp để sản xuất các sản phẩm phục vụ nhóm khách hàng bình dân trong nước.

Rõ ràng là đã có sự dịch chuyển trong việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu trong các làng nghề gỗ theo hướng thân thiện về môi trường. Tuy nhiên, chuyến công tác thực địa cho thấy, hầu như chính quyền địa phương chưa có biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ các hộ làm nghề.

Trước đây chưa lâu, ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam từng nêu ý kiến: Hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề còn mang đậm tính tự phát, chủ yếu chạy theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Hiểu biết và mối quan tâm của hộ về tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu, các quy định về sử dụng lao động, vệ sinh an toàn lao động, các quy định về môi trường... còn chưa đầy đủ.

* Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia tổ chức đối thoại chính sách về thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Campuchia đảm bảo tính hợp pháp và bền vững. Qua khảo sát, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đã sử dụng nguồn gỗ hợp pháp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn