MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ án Nhật Cường Mobile: Dân bán điện thoại xách tay... chờn tay?

Thế Lâm LDO | 16/05/2019 19:15

Một trong hai hành vi khiến Nhật Cường Mobile bị khám xét và điều tra, CEO thì bị khởi tố bắt tạm giam, chính là buôn lậu thiết bị điện tử. Hệ thống bán lẻ điện thoại của Nhật Cường Mobile có tổng cộng 9 cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, được cho rằng buôn bán khá sôi động.

Dân bán hàng xách tay chờn tay

Thị trường điện thoại xách tay (điện thoại mới, xách tay nhỏ lẻ từ nước ngoài vào Việt Nam thường thiếu các hóa đơn chứng từ và đóng các loại thuế theo quy định) rất phổ biến tại Việt Nam trong hàng chục năm qua. Đặc biệt đối với iPhone, lượng xách tay luôn chiếm nhiều nhất so với các thương hiệu khác.

Thường ngay khi những mẫu iPhone mới nhất mở bán ở nước ngoài, chỉ vài giờ hoặc chừng một ngày sau đã có hàng xách tay về Việt Nam đáp ứng nhu cầu sốt dẻo của người tiêu dùng.

Thế nhưng, sau tin tức vụ án Nhật Cường Mobile, các cửa hàng của hệ thống này bị khám xét và thu giữ cả ngàn chiếc điện thoại và thiết bị, những cửa hàng nhỏ lẻ khác trên thị trường bán iPhone xách tay cho thấy có dấu hiệu chờn tay, hoặc cẩn trọng co lại.

Cụ thể, theo khảo sát của GenK, một số website trước khi xảy ra vụ án Nhật Cường Mobile vẫn bày bán iPhone xách tay lẫn với iPhone chính hãng (nhập từ các hệ thống phân phối chính hãng tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài); sau khi xảy ra vụ án, những website này đã xóa triệt để hình ảnh, thông tin iPhone xách tay ra khỏi website.

Cụ thể, iPhone xách tay được nhận biết qua thông tin đăng tải trên website bán hàng chính là các mẫu iPhone 2 SIM vật lí (không dành cho thị trường Việt Nam mà chỉ dành cho thị trường Trung Quốc), iPhone lock (đa phần xách tay từ Mỹ về), iPhone LL/A (mã dành cho thị trường khác không phải Việt Nam)... đã bị xóa khỏi các website.

Một số website bán iPhone trước đây rao bán cả iPhone xách tay... (nguồn: GenK).
 
...nay đã tháo gỡ thông tin, hình ảnh iPhone xách tay khỏi website (nguồn: GenK).

Chuyển dịch dần sang hàng chính hãng

Qua khảo sát một số cửa hàng nhỏ lẻ cho thấy, thị trường điện thoại xách tay tại TPHCM không bị ảnh hưởng nhiều cả tâm lí của bên bán và bên mua từ tác động của vụ án Nhật Cường Mobile.

Chủ một chuỗi bán lẻ điện thoại hiện có gần 20 cửa hàng cho biết, trên thực tế, ngay cả đối với iPhone, đã có sự chuyển dịch lớn sang bán hàng chính hãng trong những năm qua. iPhone xách tay về Việt Nam chỉ cao điểm vào các thời điểm iPhone thế hệ mới ra mắt và trong những ngày đầu chính thức lên kệ tại các nước mà chưa bán tại Việt Nam.

Khi đó, các chuỗi nhỏ lẻ tranh thủ đưa hàng xách tay về bán với giá cao nhằm đáp ứng nhu cầu và cũng kiếm lãi được nhiều hơn so với sau này.

Tuy nhiên, chủ chuỗi này cũng thừa nhận, nếu có sự tác động nhất định nào đó là về mặt tâm lí của người mua băn khoăn vấn đề bảo hành, hậu mãi khi mua hàng xách tay tại các chuỗi nhỏ lẻ. Họ e rằng nếu xảy ra như chuỗi Nhật Cường Mobile, cửa hàng đóng cửa, điện thoại có vấn đề gì cần bảo hành sẽ không biết bám vào đâu.

Một chủ chuỗi khác có hơn mười cửa hàng chuyên bán iPhone thừa nhận, hàng xách tay nay chỉ chiếm khoảng 10% lượng hàng bán ra tại chuỗi này. Đa phần còn lại là hàng chính hãng có sự san sẻ hoặc trao qua đổi lại giữa các chuỗi, chấp nhận bán giá rẻ hơn các chuỗi lớn, lãi ít hơn nhưng giữ được chân khách hàng, bù vào đó lại ăn ở các gói dịch vụ cộng thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn