MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thói quen mua sắm của người dân thay đổi khiến doanh số bán hàng của nhiều doanh nghiệp, siêu thị giảm tới 40-50%. Ảnh: Khánh Vũ

Vực dậy nhu cầu tiêu dùng và sức mua trong nước

Văn Nguyễn - Khánh Vũ LDO | 20/05/2020 10:00
Tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020 thậm chí còn sụt mạnh hơn nhiều mức giảm chung của cả nước. Nhiều chuỗi siêu thị, nhà cung cấp hàng hóa lớn trên thị trường chỉ đạt doanh số 50% so với trước đây và thực tế này cho thấy, ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Người dân giảm mua sắm 103.000 tỉ đồng

Các số liệu báo cáo về tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, mức sụt giảm tới 26% của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng so với cùng kỳ năm 2019 là rất đáng lo ngại, dù cả nước được kích thích tiêu dùng và mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán 2020.

Nhìn vào con số chi tiết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính riêng trong tháng 4 ước tính đạt 293,9 nghìn tỉ đồng, giảm 20,5% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy nếu so với cùng kỳ năm trước, người dân cả nước trong tháng 4.2020 giảm mua sắm, tiêu dùng khoảng 103.000 tỉ đồng. Trong số này, do chịu các tác động trực tiếp từ yêu cầu giãn cách xã hội, nhiều nhóm ngành có mức sụt giảm rất lớn như dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 64,7%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 97,5% và doanh thu dịch vụ khác giảm 53,3%. Nguyên nhân chủ yếu theo đánh giá của Tổng cục Thống kê là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong tháng 4.2020 ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội.

Đáng chú ý, yêu cầu cách ly xã hội kéo dài trong suốt 3 tuần đầu của tháng 4.2020 khiến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020 bị tác động nặng nề.

Ngay tại thành phố Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4 vừa qua theo số liệu của Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, chỉ đạt 32,1 nghìn tỉ đồng và giảm tới 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này đồng nghĩa chỉ trong vòng một tháng vừa qua, người dân Thủ đô giảm số tiền mua sắm hàng hóa và các dịch vụ tiêu dùng tới 12,3 nghìn tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng mang tính đặc thù phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng có mức sụt giảm doanh thu rất lớn do các tác động rất tiêu cực của dịch bệnh.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội dẫn báo cáo tổng hợp từ 21 doanh nghiệp cho thấy, có 5 doanh nghiệp giảm doanh thu và sản lượng tiêu thụ đến 30%; 7 doanh nghiệp có mức giảm đến 50%; 3 doanh nghiệp có mức giảm trên 50% và cá biệt có doanh nghiệp có mức giảm đến 93%. Hoạt động vận chuyển ngưng trệ, đại lý tiêu thụ chậm khiến việc đưa các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp tới nông dân chậm là những yếu tố khiến doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp giảm mạnh.

Ông Trần Đăng Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (Hanoiba) cho hay, thống kê cho thấy do có tới 20% số doanh nghiệp hội viên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, 70% bị ảnh hưởng nhiều và chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng nên nhiều khả năng trong năm nay sẽ có đến 47% doanh nghiệp bị suy giảm doanh thu 20-40%, 20% doanh nghiệp suy giảm từ 40-90% và gần 20% doanh nghiệp bị suy giảm 100% doanh thu.

Doanh nghiệp vật lộn tiêu thụ hàng hóa

Trao đổi với PV Lao Động, bà Hoàng Thị Anh - Giám đốc siêu thị Hà Nội - cho biết: Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế chung và ảnh hưởng đến mỗi người dân, mỗi gia đình. Gần như người tiêu dùng bây giờ chỉ mua những thực phẩm thiết yếu mà những mặt hàng này sẽ được chọn mua ở nơi rẻ hơn.

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lại đang vào hè nên sức mua tại siêu thị giảm sút, doanh số bán hàng giảm đến 40-50%. Nếu như trước đây khách hàng vào siêu thị để mua thực phẩm và chọn mua các đồ dùng cao cấp, thì nay họ thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm thay thế đồ dùng gia đình khi chưa cần thiết, còn các mặt hàng thực phẩm thiết yếu họ chọn mua ở nơi khác, nếu mua tại siêu thị cũng hạn chế số lượng chứ không chi tiêu thoải mái như trước bởi sau thời gian dịch bệnh, người dân không còn nhiều tiền mặt, tiêu dùng tiết kiệm hơn” - bà Hoàng Thị Anh cho biết.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Co.op Mart Hà Nội cũng cho biết, doanh số bán ra tại siêu thị sau dịch COVID-19 cũng giảm tới 50%, trong đó giảm sâu nhất là mặt hàng may mặc, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm.

“Người tiêu dùng vào siêu thị chỉ mua các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ. Tuy nhiên, số lượng bán ra các mặt hàng này cũng giảm, trong đó thực phẩm công nghệ giảm 15%. Doanh nghiệp đang phải vật lộn vừa lo đảm bảo phòng chống dịch, vừa thắt lưng buộc bụng để duy trì các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút người tiêu dùng nên rất khó khăn” - bà Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ.

Đáng chú ý, báo cáo đánh giá về tác động, thiệt hại với doanh nghiệp bán lẻ do Bộ Công Thương công bố mới đây cũng cho thấy, dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp đến tình hình kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp phân phối. Việc người dân thắt chặt chi tiêu khiến nhiều siêu thị, thậm chí là những ông lớn trong ngành bán lẻ như Lotte, Co.opmart, Intimex, Aeon Mall, Tập đoàn BRG Retail, Central Retail đều sụt giảm doanh số. 

Trao đổi với PV Lao Động, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết, họ cần được sự hỗ trợ của Chính phủ về mặt chính sách để có thể vượt qua khó khăn, bám trụ lâu dài để hồi phục khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế.

Theo Cục Thống kê TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn trong tháng 4.2020 chỉ đạt gần 68,5 nghìn tỉ đồng, giảm 22,8% so với tháng trước và giảm tới 34,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là ngành du lịch lữ hành, không phát sinh doanh thu trong tháng. C.H

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn