MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm 2020, dự kiến trong tháng 6.2020. Ảnh: Hải nGuyễn

Xuất khẩu sau dịch COVID-19: Cần triển khai nhanh các hình thức kết nối giao thương trực tuyến

Cao Nguyên LDO | 08/06/2020 07:39
Việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua là cơ hội vàng để thế giới biết tới Việt Nam như là một trong những điểm đến an toàn cho đầu tư kinh doanh cũng như đẩy mạnh các hoạt động giao thương thời gian tới. Tuy nhiên, để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu cần được triển khai nhanh chóng nhằm mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung.

Xuất khẩu giảm do ảnh hưởng của dịch

Theo kết quả khảo sát gần 130.000 DN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về thị trường tiêu thụ và XK, 57,7% số DN bị ảnh hưởng cho biết, thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% DN có hoạt động XK khẳng định hàng hóa sản xuất ra không XK được. Khảo sát này cho thấy, hoạt động thương mại của Việt Nam từ đầu quý II/2020 đã chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19.

Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 5.2020, XNK của Việt Nam mặc dù có sự cải thiện so với tháng 4.2020 nhưng vẫn sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Theo ước tính, tổng kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5.2020 đạt 37,9 tỉ USD, tăng 5% so với tháng 4.2020 nhưng giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 196,84 tỉ USD, giảm 2,8% so với 5 tháng năm 2019.

Riêng về XK, trong tháng 5.2020, kim ngạch XK của Việt Nam ước đạt 18,5 tỉ USD, tăng 5,2% so với tháng 4.2020 và giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch XK của khối DN trong nước ước đạt 6,6 tỉ USD, tăng 1,1% so với tháng 4.2020 và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch XK của khối DN FDI cũng tăng 7,6% so với tháng 4.2020 và giảm 22,3% so với cùng kỳ, đạt 11,9 tỉ USD (bao gồm cả dầu thô). So với tháng 4.2020, kim ngạch XK của cả 3 nhóm hàng chính đều tăng trong tháng 5.2020.

Tìm phương án hóa giải

Để hỗ trợ hoạt động XK, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa DN Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung.

Trong đó, việc khơi thông thị trường XK cho hàng nông sản được Bộ Công Thương triển khai rất mạnh mẽ. Trung Quốc là thị trường đầu tiên được nhắm tới với sự kiện mở đầu là Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc, thu hút sự tham gia của hơn 150 DN hai bên. Tiếp đó, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Việt Nam - Ấn Độ: Xúc tiến thương mại nông sản và thực phẩm chế biến”. Với gần 1,4 tỉ dân, Ấn Độ là thị trường có tiềm năng để DN XK nông sản, thực phẩm của Việt Nam khai thác.

Đặc biệt, Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm 2020, dự kiến trong tháng 6.2020. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp có hiệu lực sẽ tạo ra động lực mới cho XK những tháng cuối năm 2020 và những năm tới. Việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này sẽ tạo động lực cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch COVID-19.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho hay, năm đầu thực thi, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại kim ngạch XK cao hơn dự báo. Việc EVFTA được phê duyệt kỳ vọng sẽ mang lại tín hiệu XK tích cực hơn trong thời gian tới.

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thời điểm này, chúng ta cũng nên tận dụng phát triển trong nước. Ngoài ra, cần triển khai nhanh chóng các hình thức kết nối giao thương trực tuyến mở rộng sang các thị trường khác như Châu Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á, Trung Đông… Theo đó, ưu tiên kết nối XK hàng nông, thủy sản và nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, XK.

Ông Long cho biết thêm, các DN cũng cần phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng được coi là mắt xích liên kết giữa các DN và cầu nối giữa DN với cơ quan nhà nước phải nâng cao năng lực.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nói rằng, Bộ Công Thương cũng dự kiến làm việc với các hiệp hội để rà soát các kiến nghị cho các DN để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói, đối với phía DN, việc chuẩn bị các kịch bản và phương án để đẩy mạnh sản xuất, XK sang thị trường EU ngay khi kết thúc dịch bệnh cũng hết sức quan trọng. Tuy nhiên, để tận dụng, DN cần nắm rõ các quy định mà EVFTA yêu cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn