MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu giảm ngành Ximăng đẩy mạnh thị trường nội địa. Ảnh: Đ.Tiến

Xuất khẩu ximăng giảm mạnh: Cần đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước

Đặng Tiến LDO | 30/06/2020 08:46
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, sản lượng và giá trị xuất khẩu ximăng và clinker 5 tháng đầu năm 2020 đã giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019, hiện chỉ còn 37,1 USD/tấn. Các chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cần đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước và chấp nhận bán sản phẩm thô.

Xuất khẩu giảm mạnh

Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2020 cả nước xuất khẩu 13,63 triệu tấn ximăng, đạt 505,33 triệu USD (giảm 1,4% về khối lượng, giảm 14,4% về kim ngạch so với cùng kỳ). Cùng với đó, đơn giá xuất khẩu ximăng, clinker cũng giảm mạnh 13,2%, hiện chỉ còn 37,1 USD/tấn.

TCty ximăng Việt Nam cho biết, tổng sản phẩm ximăng, clinker trong tháng 5.2020 đạt 8,74 triệu tấn giảm 2,1% so với cùng kỳ và 5 tháng đầu năm 2020 giảm 5,6% so với 5 tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, nhu cầu ximăng trong nước tháng 5 năm 2020 ước đạt 5,99 triệu tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ.

Đại diện Công ty Ximăng Hoàng Thạch cho rằng, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sản lượng tiêu thụ ximăng 5 tháng đầu năm bị sụt giảm ở một số địa bàn chính khu vực Miền Bắc, nhất là địa bàn Hà Nội (giảm 70.249 tấn khoảng 26%), địa bàn Quảng Ninh (giảm 10.741 tấn khoảng 9%), địa bàn Hưng Yên (giảm 9.415 tấn khoảng 5%). Nguồn cung dư thừa, thị trường xuất khẩu ximăng, clinker gặp nhiều khó khăn dẫn đến thị trường nội địa cạnh tranh khốc liệt. Tiếp đến, mức giá của ximăng Hoàng Thạch chênh lệch cao với các thương hiệu ximăng khác nên khó tiêu thụ.

Riêng trong tháng 5.2020, ngành ximăng xuất khẩu 3,14 triệu tấn sản phẩm, trị giá 110,73 triệu USD, giá trung bình 35,3 USD/tấn, tăng 3,9% về giá so với tháng 4.2020.

Hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ ximăng, clinker của Việt Nam lớn nhất. Trong 5 tháng đầu năm nay, với sản lượng xuất khẩu đạt 7,07 triệu tấn, trị giá 235,7 triệu USD, chiếm 51,9% trong tổng lượng và chiếm 46,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu ximăng của cả nước, tăng 26,1% về lượng và tăng 7% về kim ngạch so với cùng kỳ; tuy nhiên, giá giảm 15,1%, đạt 33,4 USD/tấn.

Đông Nam Á là thị trường lớn thứ 2 tiêu thụ ximăng của Việt Nam đạt 2,31 triệu tấn, trị giá 111,48 triệu USD, chiếm 17% trong tổng lượng và chiếm 22,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu ximăng của cả nước, giảm 33,9% về lượng và giảm 36,3% về kim ngạch so với cùng kỳ. Đứng thứ 3 là thị trường Philippines đạt 2,08 triệu tấn, tương đương 98,58 triệu USD, giảm 28,9% về lượng và giảm 33,5% kim ngạch so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân xuất khẩu ximăng giảm sâu do Trung Quốc đã mở hoạt động lại một số nhà máy phải đóng cửa do môi trường, sau khi đã nâng cấp thiết bị. Tiếp đến, thị trường Bangladesh chiếm 25% đến 30% thị trường nhập khẩu clinker từ Việt Nam cũng phải dừng lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bởi các nhà thầu không sang triển khai thi công được. Thị trường Philippines và Australia cũng bị đóng cửa do dịch bệnh dẫn đến việc giảm xuất khẩu. Hiện Philippines đang đẩy mạnh việc phát triển hệ thống cầu đường, đập kè… do đó đây cũng là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu ximăng và clinker.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường xuất khẩu tiếp tục bị đóng băng nên việc tìm kiếm khách hàng xuất khẩu ximăng rất khó khăn.

Trong 5 tháng đầu năm nay, chỉ duy nhất thị trường Trung Quốc tăng kim ngạch xuất khẩu, còn tất cả các thị trường khác đều sụt giảm; trong đó sụt giảm mạnh ở: Malaysia giảm 80,6% về lượng và giảm 81,9% về kim ngạch, thị trường Lào giảm 61,3% về lượng và giảm 36,1% về kim ngạch...

Để giải quyết lượng ximăng tồn đọng, các chuyên gia cho rằng,  ngoài việc chấp nhận xuất khẩu nguyên liệu thô clinker sang thị trường Trung Quốc, cần phải đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước, triển khai các dự án trọng điểm. Hiện tổng tiêu thụ trong nước khoảng 55 triệu tấn, trong khi đó tổng công suất của ngành Ximăng khoảng trên 90 triệu tấn. Nếu không xuất khẩu được sẽ ứ thừa rất nhiều (khoảng hơn 30 triệu tấn). Do đó, Chính phủ cần giảm thuế tài nguyên môi trường từ 5% xuống 0%, giảm các thủ tục về khai hải quan trong quá trình xuất khẩu. Bởi lẽ các tàu có tải trọng khoảng 50.000 tấn nếu thủ tục giải quyết nhanh sẽ giảm được rất nhiều chi phí. Cụ thể nếu cắt giảm thủ tục sẽ cắt giảm được thời gian tàu nằm cảng từ 15 ngày xuống 8 ngày (chi phí khoảng 60 triệu/ngày) ngoài việc đội giá thành còn ảnh hưởng tới uy tín với bạn hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn