MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu nông sản là cứu cánh của xuất khẩu 9 tháng đầu năm. Ảnh: PV

Xuất nhập khẩu 9 tháng 2017: Nhìn từ hai phía

Nguyễn Duy Nghĩa LDO | 08/10/2017 08:00

Với sự vươn lên rõ rệt của xuất khẩu (XK) quý III/2017, bình quân mỗi tháng đạt 19 tỉ USD, đặc biệt tháng 8.2017 xuất khẩu cả nước đạt 19,7 tỉ USD, hơn hẳn bình quân 6 tháng đầu năm, khiến kim ngạch XK 9 tháng 2017 đạt 154 tỉ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tăng, nhưng chưa trọn vẹn

Có 22 mặt hàng XK đạt từ 1 tỉ USD trở lên, thêm các mặt hàng như kim loại thường vào số các mặt hàng XK tỉ USD. Nhóm nông lâm thủy sản tăng 18,9% trong bối cảnh năm nay mưa nắng bão bùng quần đảo khắp ba miền, là cố gắng lớn. Cao su đứng đầu mức tăng trưởng của Nhóm mặt hàng này, với tỉ lệ 53,8%, đạt 1,67 tỉ USD gần bằng năm 2016 (1,69 tỉ USD). Rau quả 2,64 tỉ USD, tăng 45,6%, với nhiều thị trường tăng mạnh, đứng đầu là Nhật tăng 64,6% tiếp đến là Các Tiểu Vương quốc Ả Rập, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ…Lượng gạo XK tăng vượt so với dự kiến, nhờ khách hàng Philippines mua gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là thị trường XK gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 38,8% thị phần…

Việc hồ tiêu thua năm ngoái như nói trên càng bức xúc khi biết số lượng tăng 25% nhưng kim ngạch giảm tới 18% so với 9 tháng 2016, thì ra giá bình quân giảm 33,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã được cảnh báo khi hồ tiêu tăng trưởng nóng. Do được giá, nhiều diện tích trồng cây khác bị phá tức tưởi, thay bằng tua tủa cọc hồ tiêu, chẳng theo quy hoạch, không đi đôi với ứng phó dich bệnh, lại lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến sản phẩm tồn dư lớn các hoạt chất cấm, bị khách hàng cảnh báo, thậm chí từ chối nhận hàng. Có lẽ hồ tiêu đã qua thời kỳ hoàng kim, bắt đầu tụt dốc.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng tới 20,2% phản ảnh sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng, trong đó trụ cột là hàng công nghiệp chế biến, chế tạo.

Dẫn đầu các địa phương về XK vẫn là những địa chỉ quen thuộc: TP.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.

Nhập khẩu chưa hài hòa

Nhập khẩu (NK) 9 tháng tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng cần NK tăng cao hon mức tăng chung (24,3%), trong khi nhóm hàng cần kiểm soát NK chỉ tăng 9,3%. Tuy vậy cần lưu tâm đến nội tình của nó.

Trong số các mặt hàng NK có liên quan đến nông nghiệp có 5 mặt hàng NK trên 1 tỉ USD. Trong dó NK rau quả tới 1,1 tỉ USD. Thủy sản, hạt điều NK khá lớn chứng tỏ tình hình thiếu nguyên liệu vẫn “đeo bám”, ảnh hưởng không nhỏ đến chủ động chế biến, XK các sản phẩm này, Việc phải NK ngô và thức ăn gia sức khi nước ta có thể tự lo liệu được từ sản phẩm trồng trọt và phụ phẩm qua chế biến nông phẩm, sẽ tác động tiêu cực đến giá thành và phẩm chất sản phẩm chăn nuôi.

Nhập siêu được tầm soát nhưng chưa thực chất

Qua 9 tháng nhập siêu chỉ có 442 triệu USD, với tương đương 0,3% tổng kim ngạch XK, việc tầm soát nhập siêu cả năm là khả dĩ. Nhưng không khỏi trăn trở vì Khối doanh nghiệp nội nhập siêu tới 18 tỉ USD, nhờ khối FDI xuất siêu 17,6 tỉ USD, tạo vẻ đẹp cho cán cân thương mại chung của cả nước. Việc tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nội vẫn chưa có lời giải hữu hiệu.

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam khi nhập siêu 9 tháng lên tới 23,3 tỉ USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ 2016, tăng gần 7,4 tỉ USD so với cách đây 3 tháng. Lẽ nào lại chưa tận dụng được cơ hội dù FTA với Hàn Quốc có hiệu lực gần 2 năm

Bứt phá phải bền vững

Chỉ cần quý IV duy trì như quý III đặt 57 tỉ USD thì cả năm vượt mốc 200 tỉ USD là “khỏe”. Tuy vậy, chưa năm nào quý IV lại chịu “bằng vai” với quý III, nên cả năm XK sẽ khả quan hơn,

Động lực để tăng trưởng trong quý IV và năm sau đã lộ diện. Các dự án lớn trong các ngành điện tử - viễn thông - công nghiệp nặng đi vào sản xuất sẽ tạo ra nguồn hàng dồi dào, giá trị cao. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 9 tháng đầu năm tăng kỷ lục - 25, 48 tỉ USD, và vào khắp 63 tỉnh, thành phố, tăng 34,3% so với cùng kỳ 2016, vượt cả năm ngoái. Cơ sở để nói việc tăng thu hút FDI sẽ tác động tích cực đến XK vì cho đến nay Khối FDI vẫn chiếm vị thế chính về quy mô và tốc độ tăng trưởng XK của nước ta. 9 tháng 2016, XK của nhóm FDI đạt 110,8 tỉ USD, tăng 21% so với 9 tháng 2016, cao hơn mức tăng chung (19,8%), chiếm tỉ trọng 71,9% XK của cả nước. Tuy thế, không nên mải mốt chọn hướng này để tăng trưởng mà phải chú trọng “kích” Khối doanh nghiệp nội.

Những quyết sách về cải cách hành chính “hành quân” thần tốc vào cuộc sống. Đó là xóa bỏ 675 điều kiện kinh doanh chiếm 55,5% các điều kiện đầu tư, kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng; xóa bỏ 420 /720 mã HS phải kiểm tra trước khi thông quan, chiếm tỉ lệ 58,3%. Riêng việc bãi bỏ quy định về giới hạn và việc kiểm tra hàm Formaldehyde trong sản phẩm dệt may đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm 1,5 triệu đồng cho mỗi lần kiểm nghiệm mẫu và giảm thời gian thông quan từ 2,4-3,7 ngày.

Về định hướng vẫn phải đẩy mạnh XK các mặt hàng chế tạo bằng công nghệ trung bình và cao, đủ sức cạng tranh, giá trị gia tăng cao. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách hành chính. Tập trung khai thác thị trường trọng điểm, truyền thống, tiềm năng, nhất là các đối tác đã ký FTA. Đồng thời “kén chọn” NK máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào từ các nền công nghệ tiên tiến, hàng hóa trong nước chưa sản xuất được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn