MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ấn Độ có thể bị loại khỏi thượng đỉnh G7 do lập trường về Nga

Khánh Minh LDO | 13/04/2022 12:19
Ấn Độ có thể bị loại khỏi danh sách khách mời dự hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới do lập trường về Nga.

Bloomberg đưa tin, Đức muốn mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi làm khách dự hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến tổ chức vào tháng 6, nhưng có thể xem xét lại do New Delhi từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina.

Bloomberg cho biết, danh sách khách mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Bavaria, Đức, đã được tổng hợp trước khi diễn ra chiến sự Ukraina hồi cuối tháng 2, bao gồm các quốc gia như Senegal, Nam Phi và Indonesia.

Khi được yêu cầu bình luận, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay người đứng đầu chính phủ Đức “muốn thấy càng nhiều đối tác quốc tế càng tốt tham gia các lệnh trừng phạt Nga” và danh sách các quan chức khách mời của G7 sẽ được tiết lộ khi hoàn thiện.

G7 gồm 7 quốc gia từng là những nền kinh tế lớn nhất thế giới vào những năm 1970, khi nhóm được thành lập. G7 bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Cũng chính các quốc gia này đang đi đầu trong nỗ lực trừng phạt Nga bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế làm tê liệt Mátxcơva vì chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Trong khi đó, những người chỉ trích cho rằng G7 là một thể chế lỗi thời, không theo kịp thời đại khi các cường quốc kinh tế mới như Trung Quốc hay Ấn Độ đã vươn lên nổi bật. Nhiều quốc gia ở Châu Á, Mỹ Latinh, Trung Đông và Châu Phi đã từ chối tham gia chiến dịch trừng phạt Nga do Mỹ dẫn đầu. Trung Quốc nói rằng việc NATO mở rộng ở Châu Âu tạo tiền đề cho các hành động thù địch.

Ấn Độ từ chối cắt giảm thương mại với Nga - nhà cung cấp vũ khí chính cho các lực lượng vũ trang nước này. Ấn Độ cũng được cho là đã tăng cường mua năng lượng từ Nga ngay khi Mỹ và các đồng minh cố gắng cấm vận dầu khí Nga.

Một nguồn tin nói với Bloomberg rằng Đức không phải không biết lập trường của Ấn Độ. Tạp chí này lưu ý, các quốc gia phương Tây đang đối mặt với câu hỏi ngoại giao hóc búa tương tự trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào cuối năm nay.

Hội nghị thượng đỉnh G20, có sự tham dự của cả Nga, dự kiến diễn ra vào tháng 11.2022. Các quốc gia phương Tây một mặt muốn rằng bất kỳ thông cáo chung cuối cùng nào tại hội nghị sẽ có phần lên án Nga, nhưng mặt khác không muốn thấy sự chia rẽ công khai về vấn đề này.

Nga tham gia G7 vào năm 1997, do đó nhóm đổi tên thành G8, nhưng sau đó lại bị loại ra vào năm 2014 - động thái trừng phạt Nga vì vai trò trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Năm 2014, một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev đã lật đổ tổng thống dân cử Ukraina, gây hỗn loạn ở các khu vực miền đông Ukraina, với Crimea, Donetsk và Lugansk ly khai. Crimea đã sáp nhập vào Nga vào cùng năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý, trong khi Donetsk và Lugansk trở thành các nước cộng hòa tự xưng ly khai.

Nga đã tấn công quốc gia láng giềng vào cuối tháng 2, sau khi cáo buộc Ukraina không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết vào năm 2014. Nga cũng công nhận độc lập của các nước cộng hòa Donetsk và Lugansk.

Nga yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ cáo buộc rằng nước này có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa ở Donbass bằng vũ lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn